Lời giải nào cho bài toán khí đốt “không cần Nga” của châu Âu?

TTXVN-Chủ nhật, ngày 20/03/2022 07:31 GMT+7

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

VTV.vn - Những cuộc thảo luận về cách giảm giá khí đốt trên đà tăng vọt và "thiết lập" lại tương lai nguồn cung năng lượng cho châu Âu đang diễn ra sôi nổi.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến những cuộc tranh cãi trở nên căng thẳng hơn và suy thoái kinh tế càng làm gia tăng áp lực lên "lục địa Già" để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này.

Thách thức trong ngắn hạn

Tuy nhiên, những trở ngại mà châu Âu phải vượt qua khá đáng kể, bởi khu vực này đã phụ thuộc vào khí đốt của Nga từ rất lâu. Do đó, ít nhất là trong ngắn hạn, châu Âu chắc chắn sẽ phải đối mặt với những "đoạn gập ghềnh" trên con đường đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Các nhà phân tích cho biết, các giải pháp thay thế sẽ có chi phí cao hoặc phải cần một thời gian dài để hình thành.

Mùa Đông năm nay, rõ ràng khí đốt đã trở thành một vấn đề của châu Âu. Neil Shearing, một thành viên của Chương trình Tài chính và Kinh tế Toàn cầu tại tổ chức nghiên cứu Chatham House cho biết, lạm phát năng lượng gia tăng ở mọi nền kinh tế lớn, nhưng mức tăng đó đặc biệt nghiêm trọng ở châu Âu.

Dầu mỏ có thể được vận chuyển dễ dàng hơn đến các thị trường khác nhau, do đó giá cả của loại nhiên liệu này không có xu hướng chênh lệch đáng kể giữa các khu vực. Trong khi đó, hầu hết khí đốt chỉ được vận chuyển qua các đường ống cố định, có nghĩa là giá có thể chênh lệch đáng kể giữa các khu vực tùy thuộc vào điều kiện cung và cầu cả từng địa phương.

Trong những năm qua, khí đốt tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng vì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tư việc sử dụng khí tự nhiên thấp hơn so với than đá, và tầm quan trọng của nó đối với các gia đình châu Âu là không phải bàn cãi. Khí đốt chiếm 32% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong các hộ gia đình của Liên minh Châu Âu (EU) và mục đích sử dụng chính của các hộ gia đình là để sưởi ấm.

Năng lượng của châu Âu chủ yếu dựa vào nhập khẩu. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), hơn một nửa nhu cầu năng lượng của EU được đáp ứng bằng nhập khẩu ròng trong năm 2019, trong đó Nga chiếm hơn 40% lượng nhập khẩu khí đốt vào EU. Điều này một phần giải thích sự biến động cao về giá khí đốt mà châu Âu phải đối mặt trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine diễn ra.

Tác động của tình trạng này đối với từng thành viên EU là khác nhau, do sự chênh lệch lớn về nhu cầu giữa các quốc gia này. Theo công ty dữ liệu kinh doanh và nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, có trụ sở tại Oslo (Na Uy), Tây Âu nhập khẩu 75 tỷ m3 khí đốt từ Nga vào năm 2021, chiếm 25% tổng nhu cầu của nước này, trong khi ở Đông Âu, khí đốt của Nga chiếm 57% tổng nhu cầu năng lượng.

Anh, quốc gia chỉ nhập khẩu một phần nhỏ khí đốt từ Nga, dù sao cũng không thể tránh khỏi sự biến động của thị trường. Quốc gia này có khả năng dự trữ khí đốt kém, và theo một báo cáo của Chính phủ Anh, nhập khẩu chiếm hơn một nửa nguồn cung khí đốt của cả nước Anh vào năm 2020.

Mặc dù giá khí đốt dự kiến sẽ giảm từ mức cao sau khi mùa Đông kết thúc và nhu cầu "hạ nhiệt", xu hướng giảm có thể sẽ không kéo dài. Kateryna Filippenko, nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie (Anh), cho biết: "Nếu lượng khí đốt tồn kho không thể được khôi phục trong suốt mùa Hè. Chúng ta sẽ phải đối mặt với kịch bản tồi tệ khi lượng khí đột dự trữ giảm về gần bằng 0 trong mùa Đông tới. Khi đó, giá loại nhiên liệu này sẽ tăng vọt, khiến các ngành công nghiệp phải đóng cửa và lạm phát sẽ phi mã".

Các lựa chọn được tính đến

Nhìn chung, để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này trong dài hạn, các nhà chức trách và chuyên gia đã lựa chọn đa dạng hóa nguồn cung khí đốt trong ngắn hạn và đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo cho tương lai.

Những khó khăn, tất nhiên, vẫn sẽ hiện hữu. Các nhà phân tích từ công ty quản lý tài sản Schroders cho biết: "Giá năng lượng sẽ không thể cố định trong ngắn hạn".

Và đáng chú ý, cũng trong ngắn hạn, điện chạy bằng than đá trở thành một "cám dỗ". Bất chấp những nỗ lực của châu Âu vì một tương lai xanh hơn, than vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng của khu vực. Theo Rystad Energy, số liệu sơ bộ cho thấy, lượng điện sản xuất từ than đá tại châu Âu đã tăng vào năm 2021, lần đầu tiên sau gần một thập kỷ. Sản lượng khí đốt, thủy điện và năng lượng gió đã sụt giảm trong năm ngoái, làm tăng áp lực lên các nguồn năng lượng khác, bao gồm cả than đá.

Nhưng đây là một bước đi có thể gây ra nhiều tranh cãi hơn. Trong tất cả các lựa chọn bao gồm than đá, hạt nhân, năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, nhiệt than cho đến nay là cách nhanh nhất để chuyển đổi các nhà máy điện đang sử dụng khí đốt. Nhưng việc chuyển đổi từ khí đốt sang than đá đi kèm với chi phí môi trường và các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu của châu Âu.

Ngoài ra, việc tăng sản lượng khí đốt trong nước cũng không phải là một giải pháp dễ dàng. Mặc dù mỏ khí đốt Groningen ở Hà Lan, một trong những mỏ khí đốt lớn nhất ở châu Âu, về mặt lý thuyết có thể mở rộng quy mô sản xuất với sản lượng tăng đáng kể, nhưng về mặt chính trị, đây sẽ là một quyết định khó khăn, vì giới hạn sản lượng của mỏ này đã dần dần bị giảm do hoạt động địa chấn trong khu vực.

Các nhà phân tích từ Bruegel, tổ chức tư vấn kinh tế có trụ sở tại Brussels, các thị trường khí đốt khác của châu Âu như Algeria và Na Uy đã sản xuất và xuất khẩu hết công suất, và các hợp đồng dài hạn có khả năng hạn chế khối lượng khí đốt mà các doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang châu Âu, ngay cả khi giá khí đốt tại châu lục này tăng lên.

Để giảm bớt căng thẳng về nguồn cung khí đốt, châu Âu đã tìm đến khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Vào tháng 1/2022, nhập khẩu LNG vào Tây Âu đạt mức cao nhất mọi thời đại. Tuy nhiên, châu Âu gặp một số vấn đề về khả năng tái đông hóa, đó là một quá trình chuyển hóa LNG trở lại thành khí tự nhiên bằng cách đốt nóng nó.

Các nhà phân tích của ING cho , châu Âu có khả năng dự phòng hạn chế để cho phép tăng nhập khẩu LNG so với mức hiện tại. Trong khi đó, phần lớn công suất LNG dự phòng nằm ở Tây Ban Nha, mà nước này lại không được kết nối tốt với cơ sở hạ tầng đường ống với phần còn lại của châu Âu. Hơn nữa, các kế hoạch xây dựng thiết bị đầu cuối để nhập khẩu LNG cũng sẽ phải mất một thời gian.

Vì tương lai, trong một kế hoạch được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hồi đầu tháng nhằm giảm nhu cầu của EU đối với khí đốt của Nga, người ta chú trọng đến các phương án như tăng cường hiệu quả năng lượng và đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Cho dù ủng hộ các biện pháp này, một số nhà phân tích cố gắng tránh tâm lý lạc quan quá mức, với lưu ý rằng những mục tiêu này sẽ không đạt được trong "một sớm một chiều".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước