Lựa chọn nào cho TikTok sau quyết định khởi kiện chính quyền Mỹ?

TTXVN-Thứ hai, ngày 24/08/2020 10:59 GMT+7

Biểu tượng TikTok trên một màn hình điện thoại ở Arlington, bang Virginia, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

VTV.vn - Trước những áp lực từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc tuyên bố chuẩn bị khởi kiện chính quyền Mỹ ra tòa trong tuần này.

Tuyên bố của TikTok nêu rõ: "Nhằm đảm bảo pháp quyền không bị loại bỏ và công ty chúng tôi cũng như người dùng được đối xử công bằng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản đối sắc lệnh (cấm TikTok) thông qua hệ thống pháp lý". Cũng theo tuyên bố này, TikTok dự kiến chính thức khởi kiện vào ngày 24/8.

Đây được coi là động thái đáp trả của TikTok sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/8 ban hành các sắc lệnh cấm mọi giao dịch với hai công ty của Trung Quốc gồm ByteDance, chủ sở hữu TikTok, và Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat. Các sắc lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 20/9.

Vì sao TikTok "vào tầm ngắm" của Tổng thống Trump?

ByteDance đã liên tiếp bác bỏ các cáo buộc của Washington về việc ứng dụng chia sẻ video thịnh hành này có thể là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Công ty khẳng định chưa bao giờ cung cấp bất cứ dữ liệu nào của người sử dụng Mỹ cho Chính phủ Trung Quốc, và cũng sẽ không hành động như vậy nếu được yêu cầu. Các dữ liệu người sử dụng Mỹ được lưu trữ ở Mỹ, trong khi bản sao dự phòng được lưu trữ tại Singapore.

Lựa chọn nào cho TikTok sau quyết định khởi kiện chính quyền Mỹ? - Ảnh 1.

Ngày 15/8, ông Trump cũng đã yêu cầu trong vòng 90 ngày, công ty ByteDance phải chuyển nhượng lợi ích trong các hoạt động của TikTok tại Mỹ. Trong sắc lệnh này, Tổng thống Trump nhấn mạnh có bằng chứng đáng tin cậy về việc ByteDance có thể có hành động làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ.

Động thái trên đã gia tăng sức ép buộc ByteDance phải chuyển nhượng TikTok, tạo cơ sở pháp lý để chính quyền Tổng thống Trump trấn áp ứng dụng truyền thông xã hội này của Trung Quốc.

Thời gian qua, Mỹ liên tục gây sức ép với các hãng công nghệ Trung Quốc viện dẫn quan ngại về an ninh quốc gia, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Những diễn biến này đáng chú ý hơn nữa trong bối cảnh ông Trump đang ráo riết vận động hướng tới cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.

Cuộc chạy đua tranh giành TikTok của doanh nghiệp Mỹ

Ứng dụng TikTok hiện có khoảng 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Với hệ thống sử dụng trí thông minh nhân tạo trong việc lựa chọn nội dung phù hợp với thị hiếu của người dùng, ứng dụng này rất được giới trẻ ưa chuộng. Năm 2018, kỹ sư Cao Huanhuan của ByteDance đã tiết lộ một số công nghệ đằng sau ứng dụng tổng hợp thông tin nổi tiếng Jinri Toutiao ở Trung Quốc. Tháng Sáu vừa qua, TikTok cũng đã chia sẻ một vài chi tiết về công nghệ này trên trang mạng của mình.

Về mặt chức năng và kỹ thuật, TikTok giống với các sản phẩm khác của ByteDance, trong đó chú trọng tới ba yếu tố: tương tác của người dùng với ứng dụng, chẳng hạn như việc họ bấm "like" (yêu thích) một clip hoặc theo dõi một tài khoản; nội dung của sản phẩm, chẳng hạn âm thanh và các thẻ được gắn trong video; và "môi trường" của người dùng, chẳng hạn ngôn ngữ, quốc gia, và loại thiết bị họ sử dụng. TikTok cũng cung cấp một số lượng nhất định các video có nội dung nằm ngoài thị hiếu trực tiếp của người sử dụng.

Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2020, TikTok đã được tải xuống 49 triệu lượt trên thị trường Mỹ với doanh thu liên quan tới ứng dụng đạt mức 28,6 tỷ USD, chiếm 60% tổng doanh thu của TikTok, theo số liệu của Sensor Tower.

Lựa chọn nào cho TikTok sau quyết định khởi kiện chính quyền Mỹ? - Ảnh 2.

Với những tiềm năng này, nhiều công ty công nghệ Mỹ được cho là đang nghiên cứu khả năng mua lại TikTok tại Mỹ và một số nước khác. Theo Financial Times, công ty phần mềm Oracle Corp, có trụ sở tại California (Mỹ), đang nghiêm túc xem xét việc mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.

Ngày 21/8, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn giấu tên cho biết tập đoàn Alphabet (công ty mẹ của Google), cũng nằm trong số các công ty từng cân nhắc việc mua lại cổ phần trong TikTok. Một nhóm các công ty được cho là đã bàn bạc về việc đầu tư vào TikTok song "nỗ lực này đã thất bại trong những ngày gần đây".

Các nhà phân tích cho rằng không chỉ bởi thị trường Mỹ là biểu tượng cho tham vọng toàn cầu của ByteDance, mà việc tồn tại một loạt rào cản pháp lý và kỹ thuật cũng sẽ khiến việc thực hiện giao dịch mua bán là chuyện "nói dễ hơn làm".

Thế "tiến thoái lưỡng nan" của TikTok

Một số nhà quan sát chỉ ra khả năng Giám đốc điều hành (CEO) của ByteDance, cũng là nhà sáp lập tập đoàn này, Trương Nhất Minh có thể sẽ từ bỏ thị trường Mỹ thay vì bán đi "đứa con" của mình, bởi doanh thu của ứng dụng Douyin – ứng dụng "chị em" duy nhất của TikTok tại Trung Quốc – có thể gánh được phần doanh thu cho cả hai.

Dù vậy, việc để mất thị trường Mỹ cũng sẽ được xem là một quyết định đầy khó khăn với Trương Nhất Minh và có thể cản trở đà tăng trưởng của TikTok trong ngắn hạn. Các nhà phân tích cho rằng trong tương lai TikTok khó có thể được vận hành tự do ở thị trường Mỹ như đã từng trước đây. Điều này cũng sẽ cản trở tham vọng của ByteDance tại các thị trường lớn khác như Ấn Độ và châu Âu.

Nhà phân tích Joe Albano viết trên mạng tin phân tích Tech Cache: "TikTok đang bị đặt vào tình thế tiến thoái lưỡng nan… Ứng dụng này chỉ có thể bị mua lại hoặc bị cấm, và cả hai lựa chọn đều không đem đến nhiều hy vọng về khả năng mở rộng thị trường trong tương lai".

Có lẽ đó là lý do thúc đẩy ByteDance đưa ra quyết thúc đẩy việc "vô hiệu hóa" quyết định của chính quyền Tổng thống Trump tại tòa. Đại diện ByteDance cho biết đây là hướng đi mà họ đang theo đuổi, và họ sẽ "sử dụng tất cả các biện pháp có thể" để "đảm bảo thượng tôn pháp luật".

Các chuyên gia nhận định chưa thể nói gì về cơ hội để ByteDance thắng trong vụ kiện Chính phủ Mỹ. Wade Weems, cựu công tố viên Phòng Tư pháp Cục An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng "việc đệ đơn kiện của ByteDance sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng không phải là bất khả thi", bởi sắc lệnh ngày 6/8 của Tổng thống Trump không được ban hành "theo các thủ tục pháp lý", chẳng hạn như theo các quy định của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) hay Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA).

Ông Weems cho rằng ByteDance cũng có thể viện dẫn Tu chính án số I cho vụ kiện của mình, theo đó cho rằng hành động của Tổng thống Trump "cản trở các ý tưởng được hình thành trên ứng dụng, điều này trái với quy định coi TikTok như một diễn đàn ngôn luận. Đây là một hành vi vi phạm Tu chính án số I và quyền tự do ngôn luận".

Không chỉ vậy, nhà phân tích Joe Albano cho rằng ByteDance cũng có thể "chờ tới sau bầu cử Mỹ để hy vọng tình hình có thể thay đổi", dù việc để mất hai tháng "trống" người dùng Mỹ cũng có thể là "một thiệt hại khó phục hồi".

Trên thực tế, chờ đợi chưa hẳn là một chiến lược tốt khi Joe Biden, "ứng cử viên tổng thống" của đảng Dân chủ, cũng không phải là người hâm mộ TikTok và gần đây thậm chí còn yêu cầu các nhân viên gỡ ứng dụng này khỏi điện thoại của họ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước