Luật Đất đai tác động hơn 1 triệu chủ rừng

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 05/03/2024 21:07 GMT+7

VTV.vn - Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến những nút thắt hiện tại của ngành lâm nghiệp.

Sau 3 năm thực hiện chiến lược lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, đến nay không chỉ công tác giao rừng, thuê rừng còn chậm triển khai mà tính pháp lý trong sử dụng đất lâm nghiệp cũng còn nhiều vướng mắc.

Điều này đặt ra yêu cầu cần có những điều chỉnh để tương thích với Luật đất đai vừa được Quốc hội thông qua nhằm tạo cơ sở để phát triển lâm nghiệp bền vững.

Có một thực tế là con số đất lâm nghiệp do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố và con số diện tích rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố là không đồng bộ, thậm chí mâu thuẫn. Hệ lụy là tỷ lệ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hơn 1 triệu chủ rừng hiện nay là rất thấp.

Luật Đất đai tác động hơn 1 triệu chủ rừng - Ảnh 1.

Cả nước hiện có 7,2 triệu lô rừng gắn với các chủ rừng

Cả nước hiện có 7,2 triệu lô rừng gắn với các chủ rừng nhưng giao đất, giao rừng lại chưa đồng bộ với giao đất, thuê đất lâm nghiệp. Đã xảy ra tình trạng đối chiếu giấy tờ thì rừng lại không nằm trên đất.

Theo Hội chủ rừng Việt Nam, 3 năm gần đây, số diện tích rừng quản lý còn lỏng lẻo biến động mạnh và có xu hướng tăng, hiện đã ở mức 3,4 triệu ha.

Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam nhận định: "Hiện nay, 3,4 triệu ha theo số rừng đó Nhà nước không biết giao cho ai thì giao cho Ủy ban nhân dân xã tạm thời quản lý. Nhưng thực tế người dân lên đó vẫn trồng, vẫn canh tác, không ai theo dõi, không có bản đồ, không có số liệu thống kê, không theo dõi hàng năm. Không phải chúng ta quản lý lỏng lẻo mà là chưa quản lý, tranh chấp xảy ra nhiều".

Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ tác động mạnh đến những nút thắt hiện tại của ngành lâm nghiệp. Bên cạnh mở rộng đối tượng và hạn mức, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâm nghiệp gấp 15 lần hạn mức giao đất lâm nghiệp, luật cũng đã có những điểm mới về cho thuê rừng sản xuất, thuê môi trường rừng kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, cho phép xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Trên cơ sở này, việc điều chỉnh luật lâm nghiệp cũng đã được đặt ra hướng đến thống nhất số liệu đất và rừng, đảm bảo quyền làm chủ của người được giao đất, giao rừng.

Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Việt Nam tiết lộ: "Chính phủ giao trong năm 2024 và trong giai đoạn tới sẽ thực hiện tổng điều tra, kiểm kê rừng, trong đó xác định các hiện trạng về chất lượng rừng, các lô rừng cụ thể và gắn với chủ rừng, phối hợp với ngành Tài nguyên Môi trường để tiến hành giao đất, giao rừng để người dân có thể có mảnh đất mảnh rừng hợp pháp".

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chia sẻ: "Luật Lâm nghiệp phải điều chỉnh 9 điểm có hiệu lực từ 1/4/2024 và các nội dung khác theo quy định của luật đất đai".

Việc tăng tỷ lệ chủ rừng được cấp sổ đỏ thời gian tới sẽ là cơ sở quan trọng đề hoàn thiện quy hoạch rừng. Có như vậy mới thực hiện hiệu quả chiến lược lâm nghiệp trong bối cảnh mới khi Việt Nam đã cam kết với quốc tế về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như phải thực hiện các quy định không phá rừng của Liên minh châu Âu, các quy định về tín chỉ carbon rừng, nếu không thay đổi thì không thể phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước