Doanh số bán ra èo uột, tỷ lệ tồn kho vẫn cao và đặc biệt là các doanh nghiệp xe vẫn đã giảm lượng nhập linh kiện về nước, chừng ấy những khó khăn khiến nguy cơ ngành ô tô Việt đối diện thua lỗ trong năm.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết ngày 15/8, kim ngạch nhập khẩu linh kiện ô tô chỉ đạt 2,1 tỷ USD, giảm gần 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, ước giảm 24%.
Đây là giai đoạn hiếm hoi khi nhập khẩu linh kiện ô tô của các doanh nghiệp Việt giảm bất chấp việc hàng loạt các doanh nghiệp chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp các dòng xe và sự mở rộng của hàng loạt hãng xe tại Việt Nam.
Việc giảm kim ngạch nhập khẩu linh phụ kiện ô tô cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp xe hơi trong nước trước tình hình phức tạp của dịch bệnh và tổng cầu ô tô đang xuống thấp.
Theo thống kê, hết ngày 15/8, kim ngạch mặt hàng phụ tùng và linh kiện ô tô nhập về Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, các thị trường chính vẫn là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này lên đến 2,6 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu thời điểm 15/8/2020 suy giảm 500 triệu USD, con số kỷ lục ghi nhận thời gian qua.
Cùng với suy giảm kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, xe nhập về Việt Nam cũng suy giảm mạnh, hết ngày 15/8, cả nước nhập hơn 49.000 chiếc xe, kim ngạch hơn 1,1 tỷ USD, trong đó xe con chiếm khoảng 35.900 chiếc, kim ngạch hơn 670 triệu USD.
Vào thời điểm này năm trước, lượng xe nhập ghi nhận hơn 89.900 chiếc, kim ngạch 2 tỷ USD, trong đó xe con đạt hơn 66.600 chiếc, kim ngạch khoảng 1,3 tỷ USD. Như vậy, có thể nói, xe nhập và kim ngạch các mẫu xe nhập vào Việt Nam giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước, sự suy giảm quá lớn đối với thị trường tiêu thụ xe hơi.
Trong khi đó, về doanh số bán ra của xe hơi, theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của các hãng xe tại Việt Nam tính trong 7 tháng qua giảm 28%, chỉ ghi nhận bán được hơn 131.200 chiếc, giảm hơn 50.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Xe lắp ráp suy giảm hơn 22%, xe nhập suy giảm hơn 36%.
Thị trường ô tô cũng đang đối diện với tồn kho, ế ẩm lớn, hết 3 tháng đầu năm theo ghi nhận của Bộ Công Thương, sản lượng tồn kho của ngành công nghiệp ô tô lên đến 122%, con số đáng báo động so với cùng kỳ các năm trước. Điều này cho thấy tổng cầu thị trường đang suy giảm, đặc biệt là xe du lịch và xe thương mại.
Đối với các mẫu xe chuyên dụng, xe tải, doanh số bán ra cũng ghi nhận sự suy giảm đáng kể trong 7 tháng đầu năm, điều này được cho là do sự gia tăng đầu tư xã hội thấp, giải ngân vốn đầu tư công chậm kéo theo tổng đầu tư toàn xã hội giảm, nhu cầu xe vận tải cũng ảnh hưởng.
Đối với sự suy giảm doanh số và sản lượng lắp ráp, hiện các doanh nghiệp ô tô liên doanh, tư nhân chịu ảnh hưởng lớn nhất. Tỷ lệ nội địa hóa ô tô cao nhất hiện thuộc về xe tải, xe khách và đây được xem là bệ đỡ cho các hãng xe. Tuy nhiên, với tình cảnh xe thương mại, xe tải suy giảm, các doanh nghiệp trong ngành ô tô có thể sẽ gặp khó khăn lớn.
Việc mua linh kiện, thiết bị về lắp ráp và bán xe du lịch trong nước được xem là "rốn lãi" cho các hãng xe trước đây, nay cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện thị trường xe đang bước vào thời điểm khó khăn khi chịu tác động của đại dịch covid-19 và tâm lý giảm cầu của người tiêu dùng do dịch bệnh, do "tháng cô hồn".
Theo nhiều chuyên gia về xe hơi, từ nay đến cuối năm cơ hội lấy lại doanh số của các hãng xe chỉ còn trông chờ vào các tháng cao điểm mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, tổng cầu thị trường và việc giảm giá kích cầu toàn thị trường xe hơi.
Các chuyên gia nhận định, nếu du lịch tiếp tục không có khách, nhu cầu đi lại hạn chế và đặc biệt tăng trưởng chậm lại sẽ kéo theo sự giảm sút doanh số, đe dọa doanh thu thậm chí có thể khiến các các doanh nghiệp rơi vào thua lỗ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!