“Miếng bánh” thị phần ngày càng bị thu nhỏ

Kiều Oanh-Thứ sáu, ngày 28/03/2014 08:00 GMT+7

Chỉ trong chưa đầy 10 năm trở lại đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự “đổ bộ” của hàng loạt các đại gia bán lẻ nước ngoài như BigC, Metro và Lotte.

Lotte, một tập đoàn bán lẻ tên tuổi của Hàn Quốc đã chính thức khai trương trung tâm thương mại thứ 7 ở Việt Nam vào sáng 27/3 tại Hà Nội. Liên tục tăng cường vốn đầu tư, mở rộng thêm các trung tâm đang là chiến lược của các tập đoàn bán lẻ quốc tế khi thâm nhập vào Việt Nam. Điều đó cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác và có sức hấp dẫn rất lớn với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Tuy nhiên, tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng này đang gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa.

Có mặt tại Việt Nam từ 2008, đến nay Lotte đã mở được 6 siêu thị tại khu vực miền Nam, nhưng đây là lần đầu tiên Lotte mở rộng ra Hà Nội. Không chỉ dừng lại ở đó, Lotte còn có ý định sẽ xây dựng một hệ thống gồm 60 trung tâm thương mại trong vòng 6 năm tới.

Ông Đinh Sỹ Dũng, Giám đốc Trung tâm thương mại Lotte Mart Đống Đa đánh giá: “Dân số Việt Nam hiện nay khoảng trên 90 triệu người, lượng dân số trẻ rất lớn, mức thu nhập bình quân đầu người cũng trên 2.000 USD/năm. Đó là một trong những tiềm lực rất lớn để phát triển thị trường bán lẻ”.

Việc các tập đoàn bán lẻ quốc tế đặt chân tại Việt Nam đã mở ra nhiều lựa chọn phong phú hơn cho người tiêu dùng, nhưng cũng đồng nghĩa với việc miếng bánh thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang ngày càng bị thu hẹp. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2010, các DN bán lẻ nước ngoài chỉ chiếm 15% thị phần bán lẻ cả nước, nhưng con số này đã tăng lên gần 40% vào năm 2012.

‘ Người dân mua sắm tại siêu thị Big C. Ảnh: HNM

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết: “Sau khi chúng ta gia nhập WTO thì đã có một làn sóng mở các hệ thống bán lẻ theo hình thức cửa hàng tiện lợi. Các hệ thống đó rất nhiều, không phải chỉ có của các DN nội mà còn của nước ngoài, rất nhiều nhà bán lẻ đang thâm nhập thị trường và hoạt động kinh doanh khá tốt ở thị trường Việt Nam”.

Tuy nhiên, một thực tế đó là khi thâm nhập vào Việt Nam, các nhà bán lẻ nước ngoài không những đã có sẵn tiềm lực về tài chính, hệ thống, thương hiệu mà còn có sự hỗ trợ rất lớn đằng sau của các công ty mẹ ở nước ngoài với rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ. Đây là những sức ép rất lớn đặt ra cho các nhà bán lẻ nội địa.

Ông Phan Thế Ruệ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại nhìn nhận: “Chuỗi bán lẻ của các doanh nghiệp lớn đã hình thành từ vài trăm năm nay, ở Việt Nam thì rất mới. Điều đặc biệt cơ sở vật chất của họ là công ty mẹ rất lớn, rất mạnh, quản trị của họ rất tốt, kinh nghiệm thâm nhập thị trường thì tuyệt vời. Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam thì vốn khó khăn, kinh nghiệm quản lý chưa nhiều, đặc biệt là xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường là cực kỳ khó khăn. Tôi cho rằng áp lực hiện nay đã rõ rồi và các doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn”.

Đến năm 2015, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết gia nhập WTO, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước đang ngày một lớn dần.

Còn theo quy hoạch của Bộ Công Thương, tới năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, tăng gấp đôi so với 2011. Số trung tâm thương mại cũng được dự kiến tăng từ 130 lên 180 điểm. Cơ hội vẫn dành cho tất cả các DN bán lẻ, nhưng cuộc chiến cạnh tranh sẽ diễn ra vô cùng khốc liệt.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước