Mô hình kinh tế Anh cần cải cách triệt để

Phương Huyền, Anh Dũng (PV thường trú VTV tại Anh)-Thứ sáu, ngày 08/09/2017 09:00 GMT+7

Ảnh minh họa: Shutterstock

VTV.vn - Mô hình kinh tế Anh đang trên đà sụp đổ là lời nhận xét từ một báo cáo được công bố mới đây bởi Viện nghiên cứu Chính sách Công tại Anh IPPR.

Báo cáo cũng đưa ra nhu cầu cấp thiết của một cuộc cải cách triệt để khi nền kinh tế nước này có những dấu hiệu suy sụp trong thời gian dài và chất lượng cuộc sống người lao động không đảm bảo.

Theo tờ The Guardian, bản báo cáo này đến từ các thành viên Hội đồng tư pháp về kinh tế của Viện Nghiên cứu chính sách công IPPR bao gồm nhiều nhà lãnh đạo các tổ chức kinh tế và xã hội tại Anh.

Báo cáo chỉ ra rằng rằng nước Anh cần đưa ra các lựa chọn căn bản về hướng đi của nền kinh tế, trong bối cảnh khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng trở nên rõ rệt. Các đảng phái chính trị cũng được kêu gọi từ bỏ hình mẫu kinh tế hiện tại, khi hầu hết giá trị tăng trưởng chảy về túi của các tập đoàn và tổ chức giàu có nhất, và quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Sự tăng trưởng kinh tế Anh được đánh giá là không còn theo định hướng nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động. BBC đưa ra các phân tích cụ thể hơn cho vấn đề này. Tình trạng đình trệ trong gia tăng thu nhập đang ở giai đoạn dài nhất trong 150 năm trở lại đây. GDP trên đầu người tăng 12% từ năm 2010, tuy nhiên, thu nhập trung bình mỗi lao động lại giảm 6%.

Nước Anh hiện đang đứng đầu ở châu Âu trên phương diện kinh tế, nhưng không phải ở các mặt tích cực. 1/3 số trẻ em sống trong nghèo đói, tỷ lệ cao nhất tại Tây Âu. Thu nhập trung bình về địa lý cũng có sự khác biệt rõ rệt, khi lao động tại London kiếm được nhiều hơn 30% so với hầu hết các nơi khác.

Nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế Anh hiện đang gánh chịu sự suy yếu nặng nề và kéo dài dẫn tới khó đối diện với các khó khăn những năm sắp tới. Đây được đánh giá là thời điểm cần thiết để tổ chức các cuộc thảo luận công khai nhằm đưa ra các giải pháp giúp thay đổi tình trạng này.

Bản báo cáo đưa ra các mặt chính cần được xem xét trong cải cách kinh tế bao gồm các vấn đề về thuế hay vai trò của ngân hàng và các nghiệp đoàn thương mại.

Viện nghiên cứu Chính sách công IPPR cho rằng nên có một hệ thống thuế đơn giản và công bằng hơn, ưu đãi với đầu tư và tuyển dụng. Phân cấp tài chính và việc các ngân hàng tăng cường hỗ trợ tổ chức kinh tế tại địa phương cũng là một yếu tố quan trọng được nêu ra. Thêm vào đó, việc bảo vệ quyền lợi người lao động trong nền kinh tế "gig economy" hay sự tác động của các tập đoàn Internet lớn như Amazon hay Google được cho là sẽ cần có sự nghiên cứu và đánh giá cụ thể.

Mặc dù bản báo cáo đưa ra nhiều thông tin đáng lo ngại, vẫn có một số ý kiến nhận xét lạc quan hơn về nền kinh tế Anh. Theo một nhan đề trên tờ Independent, Bộ Tài chính nước này cho biết thâm hụt đang trên đà giảm còn tỷ lệ việc làm đang ở mức cao kỷ lục. 23 tỷ Bảng cũng sẽ được đầu tư vào hạ tầng và lĩnh vực nghiên cứu phát triển, đồng thời, chính phủ cũng đang lên kế hoạch cho cải cách giáo dục để chuẩn bị lực lượng lao động cho các công việc yêu cầu cao trong tương lai.

Hạn mức tín dụng tăng ngầm: Người tiêu dùng Anh gánh nợ Hạn mức tín dụng tăng ngầm: Người tiêu dùng Anh gánh nợ Nguy cơ thiếu hụt lao động có tay nghề sau khi Anh rời EU Nguy cơ thiếu hụt lao động có tay nghề sau khi Anh rời EU Đồng Bảng suy yếu, tăng trưởng chi tiêu dùng tại Anh thấp Đồng Bảng suy yếu, tăng trưởng chi tiêu dùng tại Anh thấp

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước