Trong bối cảnh nhiều tin tức kinh tế không thuận lợi cho nước Anh và có thể tình hình còn ảm đạm trong một vài năm tới, việc bản thân năng suất lao động trong nước thấp được cho là điều thực sự cần quan tâm và tìm hướng khắc phục.
Tin từ trang tài chính Financial Times cho biết, số liệu về năng suất lao động tại Anh đã trượt giảm 2 quý liên tiếp. Báo này so sánh, năng suất lao động tại Anh luôn ở phía sau các đối thủ kinh tế như Pháp, Đức hay Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính đến nay. Năng suất làm tính theo bình quân giờ ở Anh thấp hơn gần 20% so với trung bình tại các nền kinh tế G7 khác.
Bên cạnh đó, tờ City AM trích một nghiên cứu của Ngân hàng trung ương Anh BOE cho biết, ngay tại nước này, năng suất từ các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang vượt trội so với doanh nghiệp nội. Doanh nghiệp nước ngoài đóng góp 30% vào gia tăng năng suất, trong khi ở doanh nghiệp Anh chỉ là 16%.
Nguyên nhân báo cáo đưa ra có thể cũng chỉ ra phần nào lý do tại sao năng suất tại các doanh nghiệp Anh yếu kém. Đó là do khối công ty nước ngoài đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển, quản trị tốt hơn và phối hợp tốt hơn với các tổ chức khác.
Một nhan đề khác cũng của Financial Times cho biết trong khi thị trường việc làm tại Anh đang có mức tăng trưởng cao kỷ lục của hơn 20 năm nhưng tiền lương eo hẹp cũng là nguyên nhân khiến năng suất lao động không được cải thiện, thậm chí thấp đi. Điều này làm lỡ các cơ hội tạo nên giá trị gia tăng cho nền kinh tế trong thời điểm việc làm đạt đỉnh.
Ý kiến phân tích từ một cựu chuyên gia tư vấn cho chính phủ cho rằng cũng một phần vì sự bất ổn từ Brexit, doanh nghiệp đang có xu hướng thận trọng trong đầu tư vào nhà xưởng hoặc nghiên cứu, đổi mới công nghệ, thay vào đó là tăng thuê thêm nhân công, có thể dễ dàng sa thải khi hoạt động giảm sút.
Chuyên gia này cũng lo ngại không biết kinh tế Anh sẽ còn có thể coi đồng Bảng thấp và chi phí nhân công thấp là lợi thế cạnh tranh của mình trong bao lâu nữa. Chỉ biết rằng với việc năng suất không được cải thiện, cả thu nhập của người dân và triển vọng dài hạn của nền kinh tế sẽ còn bị kìm hãm.
Một khảo sát gần đây ở Anh cho biết, niềm tin của người dân vào triển vọng kinh tế Anh đang ở mức đáng lo ngại. Trong khi GDP thực sự vẫn đang tăng nhưng chuyện giá cả cũng tăng theo chóng mặt khiến cho khoảng một nửa số người Anh trả lời khảo sát rằng họ nghĩ nền kinh tế đã rơi vào chu kỳ suy thoái.
Nhiều nhà phân tích cho rằng với những bất ổn sắp tới với nền kinh tế, việc chú trọng đầu tư cải thiện năng suất ì ạch hiện nay ở các doanh nghiệp, cần được xem như một ưu tiên để tạo ra sự chủ động, ổn định và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nước này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!