Chiều 7/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại ngành công thương; triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận Kon Tum có nhiều tiềm năng, vị thế, lợi thế. Tuy nhiên, tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Thị trường nội địa, sức mua thấp; kinh tế cửa khẩu chưa phát triển tiềm năng; quy mô hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu Quốc tế Bờ Y còn thấp, đặc biệt hàng tầng dịch vụ logistics chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Do đó, Kon Tum cần quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt những chính sách mới có hiệu lực từ 1/8 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; chính sách mua bán điện trực tiếp và chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, đặc biệt là chiến lược phát triển năng lượng hydrogen. Kon Tum biến cái nắng, gió, thành nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp năng lượng, tiềm năng lớn địa phương, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng, không phụ thuộc vào quy hoạch.
Thời gian tới, muốn khai thác năng lượng tái tạo, vừa thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng như cơ chế mua bán điện trực tiếp, Kon Tum cần rà soát, bổ sung quy hoạch lưới điện dưới 220 kV; phối hợp với đơn vị của Tổng Công ty điện lực miền Trung để triển khai các tuyến đường truyền tải.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Kon Tum chủ động rà soát, trình Chính phủ phê duyệt, bổ sung quy hoạch tỉnh, bảo đảm phù hợp và liên thông với quy hoạch vùng, ngành và tổng thể quốc gia. Đây là việc cần làm ngay. Đồng thời, bổ sung kế hoạch sử dụng đất để tiếp nhận các dự án đầu tư quy mô lớn trên địa bàn.
Đến năm 2030, tỉnh Kon Tum được quy hoạch có 44 dự án về nguồn điện: điện gió trên bờ, thủy điện, điện mặt trời, điện sinh khối; điện mỏ khoáng sản. Tỉnh cần khẩn trương triển khai các quy hoạch ngành, quốc gia về lĩnh vực năng lượng, khoán sản; tăng cường, quản lý chặt quỹ đất về quy hoạch năng lượng, khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực để triển khai dự án.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý tỉnh trong định hướng sản xuất, xuất khẩu; chú ý quy định chống phá rừng của châu Âu. Bởi châu Âu sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ rừng, gây suy thoái, phá rừng thuộc các nhóm hàng nông sản gồm: chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, cao su, gỗ, các sản phẩm từ gỗ (áp dụng từ năm 2025). Trong số này, Kon Tum có 3 mặt hàng chủ đạo sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này là cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Tại buổi làm việc, tỉnh Kon Tum đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác về các lĩnh vực khoáng sản, năng lượng; kiến nghị của cử tri liên quan đến bồi thường, hỗ trợ của thủy điện Đăk Đrinh về chi phí bồi thường cũng như kinh phí bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa được giải ngân, chi trả cho người dân (gần 28 tỷ đồng).
Tỉnh đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, xem xét sớm có hướng dẫn việc thực hiện lựa chọn chủ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ để địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định; giải quyết vướng mắt trong nạo vét lòng hồ thủy điện; kiến nghị liên quan đến việc chủ trương đầu tư dự án Thủy điện Đăk Pek.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!