Sau 14 ngày cách ly theo đúng quy định phòng chống dịch COVID-19, ông Takayama Shigeaki - Chuyên gia đại diện cho phía Nhật Bản đã đến khu vực xử lý phun trùng, khử khuẩn quả vải tại Bắc Giang để kiểm tra hệ thống lần cuối trước khi vận hành.
Theo quy định của Bộ Nông - lâm - ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu. Chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép nhập khẩu vào nước này.
Tròn 2 tiếng làm việc, chuyên gia đã kiểm tra rất kỹ các trang thiết bị, phòng phun trùng khử khuẩn, dây chuyền đóng gói, bảo quản quả vải thiều. Ông đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đạt chuẩn từ phía Việt Nam.
Mỗi một lô vải sẽ phải mất 3 tiếng để khử trùng bằng Methyl Bromide - đây là khâu quan trọng nhất, nên chuyên gia kiểm tra rất kỹ hệ thống. Trước tiên, chuyên gia kiểm tra tất cả những trang thiết bị bên trong buồng, và hệ thống bơm khí, xả khí, vừa quan sát vừa đối chiếu với bảng thiết kế. Sau đó, chuyên gia yêu cầu vận hành hệ thống. Mọi thông số đều được ghi chép cẩn thận.
Cuối cùng là phòng đóng gói, sau khi quả vải được khử trùng thì sẽ được đóng gói bằng hộp carton và theo thiết kế riêng của Nhật, mỗi bắt buộc phải 8 lỗ thông khí để quả vải vẫn được "hô hấp" trong quá trình vận chuyển. Đặc biệt, cửa sổ trong phòng đóng gói, chuyên gia cũng yêu cầu phải có lưới chống cồn trùng, đảm bảo quả vải tươi xuất sang Nhật sạch khuẩn.
"Các thiết bị đều hiện đại và có thể đáp ứng được các yêu cầu được đặt ra. Tuy nhiên, vẫn cần chú ý hơn trong khâu đóng gói, đảm bảo quả vải thiều không bị dập trong quá trình di chuyển.Tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Bắc Giang kiểm tra, đánh giá chính xác chất lượng của quả vải thiều Lục Ngạn", chuyên gia
Ngoài ra, chuyên gia còn chia sẻ rất thích vải Việt Nam, và hy vọng trái vải của Việt Nam sẽ sớm có mặt tại Nhật Bản.
Hiện tại, ở Việt Nam mới có 2 cơ sở đủ tiêu chuẩn phun trùng khử khuẩn vải đi Nhật, chuyên gia người Nhật sẽ làm việc trực tiếp cả 2 nơi. Dự kiến, năm nay các doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu sẽ xuất khoảng 100 tấn đi Nhật, và chuyên gia Nhật sẽ giám sát toàn bộ các lô vải xuất đi Nhật trong năm nay.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đúng quy định, yêu cầu kiểm dịch của phía Nhật trong năm đầu tiên này sẽ là tiền đề để Cục đàm phán với phía Nhật uỷ quyền việc giám sát kiểm dịch cho chuyên gia Việt Nam trong các vụ mùa tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!