Các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm đi Mỹ đang ráo riết chuẩn bị để đáp ứng các quy định sắp có hiệu lực của Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA).
Theo quy định có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 của FSMA, các cơ sở sản xuất nội địa và nước ngoài chuyên sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu trữ thực phẩm cho người, động vật phải đăng ký lại với Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA).
Bên cạnh đó, đối với những cơ sở tại Mỹ, khi đăng ký, FDA đòi hỏi phải cung cấp địa chỉ email của người liên lạc đại diện cho cơ sở này, còn các cơ sở không đặt tại Mỹ thì phải cung cấp địa chỉ email của một đại diện tại Mỹ.
Cũng theo quy định mới của Mỹ, FDA sẽ tăng cường thanh tra cơ sở các công ty xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ. Doanh nghiệp nếu có hàng hóa từng bị giữ tại cảng, hoặc sản xuất xuất khẩu sản phẩm có nguy cơ cao cho sức khỏe, như hải sản, hàng đông lạnh sẽ có khả năng nằm trong danh sách các cơ sở sản xuất bị kiểm tra nhiều nhất.
Nếu sản phẩm nhập khẩu bị phát hiện có vấn đề, lập tức phía Mỹ sẽ tăng tần suất kiểm tra, lấy mẫu lên 100% và duy trì tần suất này một thời gian. Nhưng kiểm tra liên tục không phát hiện thì sẽ giảm tần suất xuống.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện hoạt động xuất khẩu một số loại trái cây tươi (thanh long và chôm chôm) xử lý để nhập khẩu vào Mỹ đang tiến triển tốt, bình quân mỗi tuần các doanh nghiệp xuất khoảng 50 tấn thanh long bằng đường biển. Lượng chôm chôm xuất khẩu ít hơn do chưa vào cao điểm.