Mòn mỏi chờ sổ đỏ
Gia đình bà Ngô Thị Hoa (phường Phước Hải, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã mua nhà và sinh sống ổn định tại Khu đô thị Lê Hồng Phong 2 từ 2017 đến nay. Mọi thủ tục đối với chủ đầu tư gia đình bà đã hoàn tất, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho gia đình bà theo cam kết. Có gần 1.000 khách hàng tại Khu đô thị Lê Hồng Phong 2 vẫn chưa được cấp cấp chứng nhận quyền sử dụng đất như gia đình bà Hoa.
Công ty cổ phần Bất động sản Hà Quang đã nhiều lần cam kết sẽ giải quyết vấn đề cấp quyền sử dụng đất cho khách hàng. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có khách hàng nào được chủ đầu tư làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết.
Được biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm cấp sổ đỏ cho người dân tại Khu đô thị Lê Hồng Phong 2 là do tỉnh Khánh Hoà và Công ty Bất động sản Hà Quang chưa thống nhất về tiền sử dụng đất của dự án. Nếu tình trạng này kéo dài gần 1.000 hộ dân vẫn tiếp tục chờ sổ đỏ. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người dân khi mua nhà tại dự án.
Trách nhiệm quản lý Nhà nước khi để dân chờ sổ đỏ
Tình trạng người dân mòn mỏi chờ sổ đỏ không phải là cá biệt, mà diễn ra tại nhiều địa phương khác nhau trong cả nước. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai, thay thế Nghị định 102.
Một trong những nội dung đáng chú ý là chủ đầu tư sẽ bị phạt tối đa 1 tỷ đồng nếu chậm các hồ sơ làm sổ đỏ cho dân, Nghị định này có hiệu lực tháng 1/2020. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, liệu chế tài xử phạt này có đủ mạnh và có thể giải quyết dứt điểm tình trạng chậm cấp sổ đỏ cho người dân?
Tình trạng người dân mòn mỏi chờ sổ đỏ không phải là cá biệt, mà diễn ra tại nhiều địa phương khác nhau trong cả nước. Ảnh minh họa.
Hơn 5 năm sau khi hoàn tất đóng 100% các khoản phí để mua căn hộ, gia đình chị Vân (cư dân Chung cư StarCity, 23 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng như 372 hộ gia đình của chung cư vẫn chưa được chủ đầu tư hoàn tất hồ sơ để cấp chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.
Dù khiếu kiện đã nhiều nhưng đến nay người dân nơi đây vẫn chỉ nhận được sự im lặng từ phía chủ đầu tư, cũng như các cấp chính quyền.
Rơi vào hoàn cảnh còn trớ trêu hơn, 368 hộ dân của chung cư Duyên Hải tại 16B Nguyễn Thái Học, quận Hà Đông, Hà Nội sau 10 năm hoàn tất nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư, đến nay việc cấp sổ đỏ vẫn chỉ là lời hứa.
Với những sai phạm được chỉ rõ, theo nội dung nghị định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai mới được Chính phủ ban hành, chủ đầu tư các dự án này sẽ bị xử phạt tối đa lên đến 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, đối với một số dự án bất động sản, số tiền phạt này sẽ không thấm vào đâu so với số tiền mà các chủ đầu tư đã chiếm giữ của khách hàng sau nhiều năm. Cùng với đó việc chậm trễ giải quyết tình trạng này, lại chưa chỉ rõ trách nhiệm từ các cơ quan có thẩm quyền.
Cùng với chế tài xử phạt được chỉ rõ, theo quy định chủ đầu tư nhà chung cư có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ hồng cho người mua căn hộ trong vòng 50 ngày, kể từ ngày bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chế tài xử phạt đó chưa đủ mạnh, những sai phạm kéo dài của các chủ đầu tư sẽ không biết đến bao giờ mới có thể khắc phục.
Nhiều vướng mắc khiến chậm cấp sổ đỏ cho người dân
Dù đã có chế tài xử phạt vi phạm trong việc chậm trễ làm thủ tục cấp sổ hồng cho người dân, nhưng tình trạng chây ỳ vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều dự án chung cư, nhà ở nhiều thành phố lớn. Chỉ riêng tại Hà Nội có tới 30.000 sổ đỏ chưa được cấp tại các dự án có sai phạm, gây nhiều khó khăn trong cuộc sống của người dân.
Vẫn có câu "an cư lạc nghiệp", khi cuộc sống chưa an cư thì người dân khó ổn định cuộc sống, công việc và học tập, họ luôn bức xúc, luôn nghi ngờ về trách nhiệm quản lý, xử lý sai phạm của cơ quan chức năng. Còn cơ quan chuyên môn xử lý việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất cũng gặp không ít khó khăn trong việc giải quyết những vướng mắc này.
Có rất nhiều sai phạm dẫn đến việc khó cấp sổ đỏ cho người dân, điển hình là việc một số chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng không đúng giấy phép hoặc thiết kế, quy hoạch chi tiết được duyệt, xây dựng vượt diện tích, vượt số tòa, số căn, số tầng, xây không đúng vị trí, tự ý thay đổi mật độ xây dựng, công năng công trình. Dự án nhà ở thấp tầng không xây dựng nhà để bán mà vẫn phân lô, bán nền dẫn đến bỏ hoang hóa đất nhiều năm, gây lãng phí đất đai.
Bên cạnh đó, việc chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý như: Thủ tục đầu tư, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất… nhưng đã tổ chức triển khai dự án và bán nhà cho người dân. Chủ đầu tư tự ý chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thứ cấp khi chưa có phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư thứ cấp đã thực hiện việc bán căn hộ cho người dân… Hay chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước đối với khu đất dự án. Thậm chí, cá biệt còn có một số chủ đầu tư đã thế chấp đất dự án tại ngân hàng cũng đã gây khó cho cơ quan quản lý trong việc xử lý cấp sổ đỏ cho người mua nhà, mua đất.
Hà Nội có tới trên 2.500 dự án khu đô thị mới và dự án phát triển nhà ở và có tới trên 30.000 sổ đỏ không cấp được cho người dân. Ảnh minh họa.
Hà Nội có tới trên 2.500 dự án khu đô thị mới và dự án phát triển nhà ở và có tới trên 30.000 sổ đỏ không cấp được cho người dân. Đây là những con số không khỏi khiến nhiều người suy ngẫm. Việc truy xét trách nhiệm các cơ quan quản lý, hồi tố trách nhiệm của chủ đầu tư để xảy ra sai phạm tại các dự án vẫn đang được thực hiện nghiêm túc.
Tài sản nhà, đất là thứ người dân phải dành dụm rất lâu, thậm chí cả đời mới có thể mua được. Việc cấp sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất cho người dân là điều rất cần thiết để ổn định đời sống.
Hơn nữa, không thể để người dân phải gánh chịu hậu quả từ những sai phạm của chủ đầu tư hay sai phạm buông lỏng giám sát quản lý của cơ quan chức năng… Những hậu quả mà hàng chục nghìn hộ dân không đáng phải nhận trong suốt hàng chục năm qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!