Con nghêu – con ngao
Khai thác nghêu là một nghề của người dân ở nhiều vùng biển của Việt Nam. Người miền Nam gọi là con nghêu còn người miền Bắc gọi là con ngao.
Nghêu (ngao) thường sống ở những cồn cát nông ngoài cửa biển. Những dòng nước xoáy làm cát lắng đọng và tạo thành cồn, thành bãi. Trong dòng cát đó có nhiều mùn bã hữu cơ, sinh vật phù du. Đó là thức ăn chủ yếu của nghêu. Con nghêu vốn không tự kiếm ăn được. Chúng ẩn mình dưới cát, há miệng cho dòng nước biển tự nhiên mang thức ăn đến, đồng thời cũng giúp đẩy các chất cặn thải ra ngoài cơ thể. Độ mặn ở nhiều vùng nước biển của Việt Nam rất phù hợp với điều kiện sống của nghêu nên dọc bờ biển Việt Nam từ Nam ra Bắc có nhiều cồn nghêu tự nhiên, có chất lượng tốt, như Nam Định, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre…
Theo nghiên cứu, nghêu của Việt Nam rất được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia...
Tuy nhiên, nếu chỉ khai thác một cách tự nhiên, người nông dân chắc chỉ cung ứng được cho một thị trường rất nhỏ bé người dân trong vùng vì để mang được con nghêu còn tươi ngon đến các vùng đất khác còn tùy thuộc rất nhiều vào kỹ thuật. Mặt khác, khai thác tự do dễ làm hỏng các cồn nghêu vì môi trường sinh thái bị phá vỡ, nghêu sẽ đồng loạt bỏ đi hết. Tiêu thụ không được nhiều, nguồn lợi dễ bị phá vỡ khiến cho người nông dân làm lụng vất vả mà không thể có được thu nhập tương xứng.
Chuỗi giá trị nghêu
Chuỗi giá trị nghêu là tên một mô hình hợp tác liên kết giữa nhà nước, nhà nông, nhà phân phối và một số tổ chức hỗ trợ kỹ thuật. Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đang tài trợ cho dự án phát triển bền vững và toàn diện mô hình hợp tác theo chuỗi giá trị như thế này đối với các vùng khai thác nghêu ở Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre.
Theo đó, khai thác nghêu sẽ được tiến hành một cách có tổ chức, với nhiều khâu, đoạn. Từ lúc phát hiện các vùng sinh tồn tự nhiên của nghêu, mở rộng thành các vùng nuôi thả và khai thác tự nhiên, quá trình chăm sóc, khai thác cho tới thương mại hóa, chế biến….Tất cả đều phải được tiến hành với cam kết trách nhiệm của từng bên.
Có hàng trăm tiêu chí rất cụ thể mà các bên tham gia mô hình liên kết chuỗi giá trị này phải chấp hành để con nghêu được xác nhận là đạt tiêu chuẩn MSC, từ đó, được xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ, châu Âu. MSC – là chứng chỉ của Marine Stewardship Council (Hội đồng quản lý biển). Đây là một tổ chức quốc tế phi chính phủ được thành lập để thúc đẩy khai thác thủy sản bền vững thông qua các giải pháp cả về môi trường và thương mại.
Tựu chung lại, các tiêu chí đều hướng đều tới bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi hải sản và đảm bảo các vấn đề xã hội liên quan.
Ví dụ về môi trường, việc nuôi thả và khai thác tự nhiên nghêu không được làm ảnh hưởng tới các loài sinh vật khác sống trong cùng hệ sinh thái; quá trình khai thác không được xả thải nhựa, không được vứt vỏ nghêu, nghêu chết bừa bãi làm phát sinh dịch bệnh….; Về nguồn lợi hải sản, việc nuôi và khai thác nghêu phải đảm bảo bảo tồn nguồn nghêu giống để tăng khả năng tái đàn…; Về các vấn đề xã hội, cần đảm bảo để lợi ích được chia đều theo công sức đóng góp của tất cả các bên tham gia, đặc biệt là người nông dân tham gia nuôi thả và khai thác tự nhiên, đánh bắt nghêu, đóng góp vào sự phát triển của cả vùng dân cư nuôi thả và khai thác tự nhiên nghêu…
Để đạt tiêu chuẩn MSC, các doanh nghiệp sẽ cam kết thu mua, tiêu thụ và chia sẻ lợi nhuận; chính quyền địa phương cũng cam kết hỗ trợ đảm bảo môi trường pháp lý thuận lợi, giám sát và cấp chứng nhận xuất xứ…
Thách thức của mô hình liên kết chuỗi giá trị
Trong liên kết chuỗi giá trị, thách thức lớn nhất là sự liên kết. Ở đây, liên kết không chỉ là một mấu nối mà là nhiều mấu nối. Những mấu nối này không thể gượng ép, kiểu duy ý chí như tiến hành hợp tác xã trước kia. Làm sao để có sự gắn kết tự nguyện, chặt chẽ, lâu dài là câu hỏi lớn.
Mô hình liên kết chuỗi giá trị không phải mới và đã được chứng là rất hữu hiệu cho sự phát triển bền vững và thuận lợi cho việc mở rộng thị trường nghêu ở trong nước và ra nước ngoài. Nhưng, thực tiễn hơn chục năm qua ở các vùng nuôi thả và khai thác tự nhiên, khai thác nghêu cho thấy, mô hình liên kết này không dễ để hiện thực hóa.
Hiện nay, ở Việt Nam, duy nhất tỉnh Bến Tre có quy trình nuôi thả và khai thác tự nhiên nghêu được cấp chứng chỉ MSC. Tuy nhiên, việc được cấp chứng chỉ này vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực trong việc mở rộng thị trường nghêu ra nước ngoài một cách rõ rệt.
Có hai yếu tố quan trọng để liên kết chuỗi giá trị được duy trì bền vững. Thứ nhất là cam kết chia sẻ lợi ích. Lợi ích kinh tế của từng bên chính là động lực để các bên gắn kết một cách tự nguyện; là cái dây lạt mềm để buộc chặt các bên với nhau. Thứ hai là sự tham gia của chính quyền. Chỉ có chính quyền, với công cụ pháp lý, mới đảm bảo sự cam kết của các bên trở thành hiện thực. Và chỉ khi các cam kết được hiện thực hóa thì lợi ích mới được hiện thực hóa.
Vừa qua, tại thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang, đã diễn ra lễ kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện liên kết chuỗi giá trị nghêu tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh giữa công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam với các Hợp tác xã, Tổ cộng đồng nghêu tại Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh. Đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông của Tiền Giang đã tham gia lễ ký kết. Hy vọng chính quyền các tỉnh ven biển có nhận thức tốt hơn về việc nuôi thả và khai thác tự nhiên, khai thác thủy, hải sản để mang lại lợi ích lớn hơn, không chỉ cho người nông dân mà còn cho chính ngân sách của tỉnh, của quốc gia khi hải sản, thủy sản của địa phương được xuất khẩu với khối lượng lớn và nguồn lợi được duy trì lâu bền.