Mua bán khí carbon - Cú hích thúc đẩy bảo vệ rừng, phát triển kinh tế bền vững

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 16/01/2021 10:16 GMT+7

VTV.vn - Thị trường mua bán khí carbon sẽ là cú hích cần thiết để thúc đẩy những thực hành tốt trong bảo vệ rừng và đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.

Cần quy định carbon như một thứ hàng hóa

Rừng không chỉ là gỗ, mây, tre, nấm..., theo các chuyên gia, rừng còn có thêm tài sản là carbon, mà từ trước đến nay chúng ta chưa đề cập đến. Rừng càng lâu đời lại càng có giá trị hấp thụ và lưu giữ carbon càng lớn. Thứ tài sản này hoàn toàn có thể bán cho những đơn vị phát thải khí carbon lớn.

Cũng theo các chuyên gia, việc lập Bộ chỉ số CO2 của rừng cho từng địa phương sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương và chủ rừng có thể thu tiền từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế áp dụng chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 theo nguyên tắc địa phương phát triển công nghiệp, phát thải CO2 phải mua chỉ số chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2.

Mua bán khí carbon - Cú hích thúc đẩy bảo vệ rừng, phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 1.

Việc lập Bộ chỉ số CO2 của rừng cho từng địa phương sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương và chủ rừng có thể thu tiền từ dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng. (Ảnh: Dân trí)

"Như chúng ta biết, muốn sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất kinh doanh công nghiệp, người ta phải phát thải khí nhà kính. Chúng ta áp hạn ngạch, ví dụ 1MW điện hoặc 1 tấn xi măng được phép phát thải là bao nhiêu, nếu vượt ngưỡng bao nhiêu tấn CO2 thì buộc các doanh nghiệp đó phải đổi mới công nghệ thiết bị để giảm phát thải hoặc phải đi mua của những người đã lưu giữ carbon đó.

Vì vậy, chúng ta gọi đó là quyền mua bán, chuyển nhượng carbon được tạo ra từ nhiều lĩnh vực, trong đó có tạo ra từ rừng. Như vậy, chúng ta có quyền mua bán tín chỉ carbon đó nếu như phát thải khí nhà kính vượt hạn ngạch cho phép. Điều này đã được luật quy định", PGS. TS. Nguyễn Bá Ngãi, Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam, nhận định.

Hiện chỉ số CO2 của rừng được coi như một thứ hàng hóa, minh chứng là vừa Việt Nam đã bán được 10,3 triệu tấn CO2, thu về trên 51 triệu USD và Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia thực hiện ký thỏa thuận về chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả này.

Còn nếu xét trong phạm vi nội địa, trong năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định về thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng tại 4 tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Từ khi đề xuất, các địa phương này cũng đã có những bước chủ động chuẩn bị.

Ý kiến của địa phương về việc thí điểm thu tiền với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng

Với công suất dây chuyền sản xuất 5 triệu tấn xi măng/năm như hiện nay, theo nhẩm tính của Nhà máy Xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa), khi chương trình thí điểm được triển khai, mỗi năm doanh nghiệp sẽ phải nộp khoảng 8 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho số lượng khí thải CO2 phát thải trong quá trình sản xuất.

"Đối với một doanh nghiệp, một năm thu về trên dưới 100 tỷ lợi nhuận, thì mức 8 tỷ chiếm 6 - 7% trong lợi nhuận đó. Đó là một con số tương đối lớn", ông Nguyễn Thế Hải - Phó Giám đốc Nhà máy Xi măng Nghi Sơn cho biết.

Để giảm thiểu mức độ ảnh hưởng tới môi trường, doanh nghiệp đang lên kế hoạch tính toán thay đổi nguồn nhiên liệu sản xuất, cải tiến công nghệ, tăng cường sử dụng phụ gia hạn chế việc phát thải khí carbon...

"Chúng tôi rất ủng hộ chương trình này vì chương trình rất có lợi không những cho hiện tại, mà còn cho tương lai. Chúng tôi mong muốn việc thực hiện được minh bạch, công bằng bình đẳng giữa các doanh nghiệp và giữa chính quyền với doanh nghiệp", ông Nguyễn Thế Hải - Phó Giám đốc Nhà máy Xi măng Nghi Sơn cho biết thêm.

Mua bán khí carbon - Cú hích thúc đẩy bảo vệ rừng, phát triển kinh tế bền vững - Ảnh 2.

Đối tượng phải chi trả dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng là tổ chức sản xuất nhiệt điện than và tổ chức sản xuất xi măng gây phát thải khí nhà kính lớn.

"Tôi cho rằng đây là nghiên cứu tốt, phù hợp với tỉnh Thanh Hóa và luật hiện hành. Nếu cơ chế này được thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì sẽ tạo động lực để cho cấp ủy chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, tạo phong trào trồng rừng rộng rãi trong nhân dân các dân tộc", ông Cao Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, nhận định.

Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đã tham vấn ý kiến của 4 nhà máy sản xuất xi măng và Công ty nhiệt điện Nghi Sơn trên địa bàn.

Để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp thực hiện thí điểm, phía UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Ban soạn thảo tính toán lại mức chi trả cho phù hợp hơn; đồng thời xem xét việc số tiền chi trả sẽ được khấu trừ ngay từ năm đầu tiên khi chính sách được phê duyệt áp dụng trong phạm vi toàn quốc.

Bộ chỉ số CO2 góp phần củng cố sinh kế cho người trồng rừng

Theo dự thảo Quyết định thí điểm, đối tượng phải chi trả dịch vụ hấp thụ, lưu giữ carbon của rừng là tổ chức sản xuất nhiệt điện than và tổ chức sản xuất xi măng gây phát thải khí nhà kính lớn, với mức chi trả là 4 đồng/kWh đối với sản xuất nhiệt điện than, 2.100 đồng/tấn clinker đối với hoạt động sản xuất xi măng và được hạch toán vào giá thành sản phẩm. Dự kiến, thu tiền dịch vụ môi trường rừng trong thời gian thí điểm sẽ là gần 172 tỷ đồng.

Hội Chủ rừng Việt Nam cho rằng, nếu áp dụng được bộ chỉ số CO2 thì người trồng rừng có thể thu về từ 1.200 - 1.500 tỷ đồng mỗi năm, góp phần thiết thực vào việc bảo vệ môi trường rừng.

Theo quy định hiện nay, đối với các chủ rừng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, được nhà nước giao đất, giao rừng, chi phí bảo vệ và phát triển rừng được chi trả là 300.000 đồng/ha.

Theo đại diện Ban quản lý rừng Phòng hộ Nghi Sơn, Thanh Hóa và nhiều người dân, mức chi trả này hiện nay còn thấp, chưa tương xứng với công sức và trách nhiệm của các đơn vị cá nhân trong hoạt động bảo vệ rừng.

Vì vậy, khi việc thu phí đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng được triển khai sẽ gia tăng nguồn thu cho quỹ bảo vệ rừng, từ đó chi trả để tăng thêm thu nhập cho các tổ chức, cá nhân bảo vệ rừng. Ngoài ra, khi rừng được bảo tồn và phát triển còn góp phần duy trì sinh kế cho người dân, từ các mô hình kinh tế triển khai dưới tán rừng xanh.

Tiềm năng mua bán khí phát thải CO2 tại Việt Nam

Mỗi năm, rừng Việt Nam phát thải tầm 38 triệu tấn CO2 tương đương, nhưng số lượng hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng Việt Nam lên tới 74 triệu tấn CO2 tương đương/năm, nghĩa là gần gấp đôi lượng phát thải. Đây được coi là thành công rất lớn của Việt Nam, khi phần lớn các nước khác phát thải nhiều hơn hấp thụ.

Theo các chuyên gia, nếu dán nhãn hàng hóa cho CO2 thành công thì Việt Nam hoàn toàn có thể bán chứng chỉ CO2 ra thị trường thế giới. Nếu tính trung bình 5 USD mua 1 tấn CO2 như mức giá vừa qua với Ngân hàng Thế giới, thì mỗi năm Việt Nam có thể thu về hàng chục triệu USD từ việc bán tín chỉ CO2.

Đã đến lúc Việt Nam cần coi carbon như một thứ hàng hóa? Đã đến lúc Việt Nam cần coi carbon như một thứ hàng hóa?

VTV.vn - Theo các chuyên gia đã đến lúc Việt Nam cần coi carbon như một thứ hàng hóa, có quy chuẩn, quy chế trao đổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước