Mua hàng trực tuyến: Lợi hay hại?

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 11/11/2020 19:28 GMT+7

VTV.vn - Thương mại điện tử đang trở thành xu thế mua sắm trong thời đại số, nhưng đi kèm với đó là rất nhiều bất cập từ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Ngày 11/11 được giới trẻ Trung Quốc gọi là ngày lễ Độc thân, ngày này đã lan tỏa sang nhiều nước xung quanh. Kể từ năm 2009, nhờ bàn tay của tỷ phú Jack Ma, trang thương mại điện tử Alibaba đã biến ngày Độc thân hàng năm trở thành "Ngày hội mua sắm" lớn nhất châu Á - vượt qua nhiều sự kiện mua sắm thương mại điện tử lớn nhất thế giới như Black Briday, Cyber Monday. Ngày hội mua sắm năm nay kéo dài 11 ngày đã lập kỷ lục mới. 

Bùng nổ mua sắm lễ hội Độc thân tại Trung Quốc

Tại các khu nhà ở Trung Quốc, Ban Quản lý chung cư phải bố trí thêm các điểm để hàng ngay tại sảnh, ngoài các tủ chuyên cho các công ty thương mại điện tử thuê. Còn các công ty giao hàng mở thêm nhiều điểm giao hàng ngay tại các điểm trọng yếu để giảm áp lực cho lượng đơn đặt hàng quá lớn.

Dù ngày hội mua sắm chính từ sáng 11/11, nhưng thật ra từ đầu tháng 11, các nhãn hàng trên các trang thương mại điện tử của Alibaba đã triển khai các chương trình khuyến mãi, với giá giảm khủng từ 30 đến 90%.

"Hiện nay ai cũng bận rộn, đi làm không có thời gian rảnh nên họ lên mạng mua hàng ngày càng nhiều", anh Chu Anh - nhân viên giao hàng Công ty Dada nói.

Mua hàng trực tuyến: Lợi hay hại? - Ảnh 1.

Nhân viên hãng mỹ phẩm nói trước máy quay livestream bán hàng. Ảnh: Alibaba.

Không tổ chức các sự kiện rầm rộ, năm nay các công ty thương mại điện tử mời những người nổi tiếng để livestream cổ động người tiêu dùng đến các sự kiện. Hình thức livestream bán hàng không chỉ diễn ra trên các trang thương mại điện tử mà thời dịch bệnh các hội chợ, triển lãm hình thức này cũng rất phổ biến. Chỉ riêng 2 trang thương mại điện tử là Taobao và Tmall của Alibaba, người bán chi hơn 4,5 tỷ USD để giảm giá hàng hóa, với trên 2 triệu sản phẩm mới.

"Bằng cách đặt những tình huống thực tế trong cuộc sống, người livestream trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm sử dụng sản phẩm của họ với khách hàng. Họ sẽ thấy hấp dẫn mà mua nhiều", ông Hùng Kiện - công ty Xiaohongshu nói.

Lễ hội mua sắm 11/11 của riêng Alibaba năm nay tiếp tục xô ngã kỷ lục năm ngoái 38 tỷ USD, khi chỉ 30 phút đầu ngày đã đạt doanh thu hơn 56,3 tỷ USD. Còn đối thủ của Alibaba là trang JD.com trong 9 phút đầu cũng đạt doanh thu hơn 30 tỷ USD.

Các thương hiệu lớn trên thế giới cũng hốt bạc mùa này khi triển khai nhiều chiến dịch giảm giá nhắm vào hơn 400 triệu dân thuộc tầng lớp trung lưu.

Công khai rao bán hàng vi phạm trên sàn thương mại điện tử

Thương mại điện tử giúp khách hàng mua sắm rất thuận tiện. Tuy nhiên, cùng với sự thuận tiện thì tình trạng công khai kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng trên các website thương mại điện tử, trên các mạng xã hội đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng.

Tiki, Sendo, Lazada, Shopee... những ứng dụng mua hàng trực tuyến trên điện thoại giờ không còn xa lạ với nhiều người. Trên các sàn thương mại điện tử phổ biến này, người dùng không khó tìm thấy hàng giả, hàng nhái, thậm chí là hàng cấm như vũ khí quân dụng.

Mua hàng trực tuyến: Lợi hay hại? - Ảnh 2.

Thương mại điện tử đang trở thành xu thế mua sắm trong thời đại số, nhưng đi kèm với đó là rất nhiều bất cập. Ảnh minh họa - Dân trí.

Cục Thương mại điện tử - Bộ Công Thương đã thống kê có đến 71% người tham gia khảo sát lo ngại "tiền mất tật mang" do mua phải hàng gian, hàng giả trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.

Lo ngại là thế nhưng mỗi ngày hiện vẫn có 3,5 triệu lượt truy cập mua sắm trên các sàn thương mại điện tử. Từ đầu năm tới nay, lực lượng chức năng khi kiểm tra gần 3.000 vụ việc đã xử lý gần 2.500 vụ việc vi phạm.

Các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Shopee, Chotot, Lazada, Tiki... cũng đã tự xử lý trên 16.200 gian hàng và trên 33.000 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng. Nhiều trang website, mạng xã hội công khai rao bán hàng cấm và cũng đã bị xử lý.

Mua hàng trực tuyến: Lợi hay hại? - Ảnh 3.

Cần giải pháp để quản lý chặt thương mại điện tử. Ảnh minh họa - NLĐ.

Ngoài việc gặp khó do không có đủ năng lực, thẩm quyền để xác định hàng giả thì việc kiểm soát, định danh tài khoản người bán, đăng tải chào bán, chào mua chưa thật sự chặt chẽ của các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cũng là một trong những kẽ hở để các đối tượng lợi dụng đưa hàng hóa vi phạm lên bày bán công khai.

Hiện các quy định về mức phạt đối với tổ chức, cá nhân làm giả hàng hóa/sản phẩm là rất thấp, nên không đủ sức răn đe. Chẳng hạn mức phạt theo Luật Thương mại chỉ là không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Do vậy, để các giao dịch qua công cụ thương mại điện tử được thực hiện an toàn, đảm bảo quyền lợi của người cung cấp, người tiêu dùng, những quy định pháp luật đã đến lúc phải được xây dựng lại cho phù hợp với thực tế của thị trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước