Mứt gừng truyền thống Quảng Trị thất thu

Lê Trâm -Chủ nhật, ngày 02/02/2014 12:38 GMT+7

Do giá nguyên liệu tăng cao nên năm nay, sản phẩm mứt gừng truyền thống ở Mỹ Chánh, Quảng Trị sụt giảm nhiều so với những năm trước.

Sản xuất và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn đã làm mất việc làm hàng chục lao động của địa phương vì các lò sản xuất mứt gừng truyền thống phải ngưng hoạt động sớm hơn những năm trước từ 15-20 ngày. Đây cũng là một trong những sản phẩm truyền thống của Quảng Trị đã được đã Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ công nhận thương hiệu năm 2012 và đã có chỗ đứng trên thị trường.

Không còn nhộn nhịp kéo dài cho đến những ngày giáp Tết như những năm trước đây, lò làm mứt gừng của bà Trần Thị Giao, làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị đã ngừng hoạt động từ giữa tháng 12 âm lịch. Giá thành cao, lãi thấp, khó tiêu thụ nên năm nay gia đình bà Giao chỉ tổ chức sản xuất mứt gừng trong vòng 15 ngày để cung ứng cho khách hàng đã nhận đặt trước.

Theo người dân làng Mỹ Chánh, những năm trước đây, nghề làm mứt gừng truyền thống phát triển đã giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động nông nhàn trong mỗi vụ Tết. Tuy mỗi năm chỉ làm trong vòng 1 tháng giáp Tết, nhưng nghề truyền thống này đã đem đến nguồn thu nhập khá cao cho các chủ lò. Bình quân mỗi dịp Tết, một hộ làm mứt gừng cung ứng cho thị trường từ 5-7 tấn. Tuy chỉ làm trong 1 tháng nhưng sau khi trừ chi phí các chủ lò thu lãi từ 30-40 triệu đồng. Năm nay do giá gừng tươi tăng từ 6.000 lên 28.000 đồng/kg, giá than tăng nên sản phẩm mứt làm ra có giá thành cao hơn năm ngoái trên 15.000/kg nên số lượng khách hàng đặt mua giảm mạnh.

Từ chỗ có trên 20 lò làm mứt gừng, năm nay chỉ còn 12 lò hoạt động và chỉ sản xuất cầm chừng từ 10-15 ngày không kéo dài như trước đây. Theo Ban quản lý Công Thương địa phương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người dân không chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ, phải lấy từ Tây Nguyên ra nên giá thành sản phẩm tăng cao.

Nghề truyền thống đã có thương hiệu tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, nhưng không phát huy hiệu quả vì không chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ là điều hết sức đáng tiếc. Trong khi đó cùng họ với cây gừng, cây dong riềng nguyên liệu làm miến là loại cây đã phát triển rất tốt trên các vùng đất đỏ bazan ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị).

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước