Cuộc chiến thuế quan từng gây sóng gió giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sắp đi đến hồi kết khi chống lạm phát giờ là ưu tiên số 1 của Nhà Trắng.
Quan chức cấp cao Mỹ - Trung Quốc trao đổi vấn đề thuế quan
Bắt đầu từ ngày 6/7, nhiều biện pháp thuế quan được Mỹ áp đặt trong số 370 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc từ 4 năm trước sẽ tự động hết hiệu lực nếu không được gia hạn. Đây là thông tin được nhiều trang báo tài chính quốc tế quan tâm nhất thời điểm này.
Tờ Thời báo phố Wall thậm chí tiết lộ, Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sớm thông báo dỡ bỏ một số loại thuế quan với hàng hóa Trung Quốc ngay trong tuần này.
Mỹ cân nhắc khả năng dỡ bỏ một số loại thuế quan đối với Trung Quốc. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)
Mới đây, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố chống lạm phát là ưu tiên số 1 hiện nay. Điều đó có nghĩa, việc điều chỉnh chính sách thuế quan của Washington với Bắc Kinh là hoàn toàn có thể hiểu được.
Viện Kinh tế quốc tế Peterson ước tính, nếu Mỹ loại bỏ một loạt thuế quan với hàng hóa Trung Quốc, có thể kéo lạm phát của nước này xuống 1,3 điểm %.
Kết thúc cuộc điện đàm hôm mùng 5/7 giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen về tình hình kinh tế vĩ mô, sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. Hai bên đều đánh giá đây là cuộc họp mang tính xây dựng.
Theo thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Lưu Hạc đã yêu cầu Mỹ bỏ tăng thuế và trừng phạt, đối xử công bằng với các doanh nghiệp Trung Quốc. Còn Nhà Trắng khẳng định mọi lựa chọn đã được đặt lên bàn cân nhắc liên quan đến việc dỡ bỏ thuế quan.
Mỹ áp thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc: Người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn
Các phân tích trong cả quá trình này cho thấy khi thuế lên hàng tiêu dùng nhập từ Trung Quốc tăng, hầu hết được các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ chuyển sang giá thành sản phẩm. Kết quả là người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều tiền hơn hoặc lựa chọn giảm chi tiêu.
Theo ước tính, mỗi năm thuế quan cao đã làm tăng thêm 1% trong chỉ số giá tiêu dùng, thước đo lạm phát của nền kinh tế Mỹ.
Nghiên cứu của Moody's năm 2019 (2 năm sau khi áp thuế và chưa bị tác động bởi dịch), các mức thuế quan mỗi năm lấy đi của kinh tế Mỹ khoảng 300.000 việc làm và làm hụt 0,3% trong tăng trưởng GDP.
Còn nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương chi nhánh New York và Đại học Columbia cho thấy, các công ty Mỹ để mất ít nhất 1,7 nghìn tỷ USD trong giá trị cổ phiếu, cũng vì áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khiến việc kinh doanh giảm sút.
Có thể thấy, những khó khăn kinh tế đang gia tăng sức ép, khiến chính quyền Tổng thống Biden không thể không cân nhắc dỡ bỏ thuế quan nhằm vào hàng hóa Trung Quốc.
Phản ứng từ Trung Quốc xung quanh dự báo dỡ bỏ thuế quan
Trầm lắng và khá lạnh nhạt là không khí báo chí tại Trung Quốctrong những ngày này trước dự báo Mỹ sắp dỡ bỏ thuế bổ sung đánh lên hàng hóa Trung Quốc.
Một số báo dẫn lời chuyên gia cho rằng, động thái giảm thuế mang ý nghĩa chính trị, ít thực chất bởi sắp đến bầu cử giữa kỳ nên chính quyền muốn xoa dịu người tiêu dùng Mỹ, doanh nghiệp nhập khẩu, trước lạm phát giá cả hàng hóa tăng cao. Nó không có tác động lớn nếu đúng như dự đoán Mỹ chỉ gỡ bỏ thuế bổ sung lên hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử, mà không gỡ bỏ thuế lên hàng công nghệ, sắt thép - vốn chiếm giá trị xuất cao.
Phần nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thấy không hứng thú nhiều, khi xuất nhiều hàng tiêu dùng vì giá đầu vào, cước vận tải tăng quá cao nên khó đàm phán được giá xuất tăng tương ứng.
Các lệnh cấm bán chip của Mỹ cũng làm mảng điện thoại thông minh Huawei Trung Quốc bị thiệt hại nặng. Các dự án 5G của Huawei ở Mỹ, châu Âu bị trì trệ với lý do an ninh quốc gia.
Rõ ràng, cuộc chiến này 2 phía đều thiệt hại. Điều mà phía Trung Quốc trông chờ không chỉ là gỡ bỏ hoàn toàn thuế bổ sung mà yêu cầu Mỹ đối xử công bằng với các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các công ty công nghệ.
Còn nhiều ý kiến phản đối dỡ bỏ thuế quan tại Mỹ
Khảo sát được thực hiện cho thấy, tâm lý chung của giới doanh nghiệp tại Mỹ cũng không quá lạc quan trước những gì đang diễn ra. Tất cả muốn chờ xem mức độ cắt giảm thuế quan sẽ đến đâu, thậm chí còn có nhiều ý kiến phản đối.
Hiện việc dỡ bỏ thuế quan đang vấp phải rào cản lớn khi có tới 400 đơn đề nghị tiếp tục áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đã được gửi tới Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Trong số những bên gửi đơn bao gồm nhiều nghiệp đoàn lao động lớn, có tầm ảnh hưởng. Diễn biến này được dự báo sẽ làm phức tạp nỗ lực cắt giảm thuế quan của chính quyền Tổng thống Biden.
Có hay không khả năng dỡ bỏ thuế quan vào thời điểm này?
Áp thuế là quan điểm của chính quyền ông Donald Trump, còn lạm phát đang là vấn đề đau đầu của chính quyền ông Biden. Lạm phát sẽ có tác động không nhỏ tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới đây.
Vì vậy, chính phủ hiện tại đang phải cân nhắc mọi biện pháp để giảm thiểu tác động lên giá thành các sản phẩm tiêu dùng.
Một tàu container hàng hóa tại cảng Los Angeles, thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ). (Ảnh: Reuters)
Quá trình thương thảo vẫn đang diễn ra, nhưng rất có thể phía Mỹ sẽ công bố gói thu hẹp thuế quan đối với hàng Trung Quốc. Nếu đúng thì kế hoạch dự kiến có 3 phần.
Phần 1 sẽ là giảm dần thuế lên một số mặt hàng nhất định, nhằm giảm 10 tỷ USD trong giá trị hàng hóa khi tới tay người tiêu dùng.
Phần 2 là Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ lựa chọn các công ty được miễn trừ thuế trong diện bị áp thuế hiện nay.
Phần 3, dài hơi hơn, là điều tra thuế đối với các công ty mà Mỹ cho là chính phủ Trung Quốc trợ giá, từ đó mới đưa ra quyết định thuế cụ thể.
Ông Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc từng bình luận: "Thuế là loại công cụ mà dựng lên thì dễ, còn hạ xuống thì khó". Sức ép lạm phát sẽ khiến chính quyền Mỹ phải cân nhắc lại chính sách thuế quan với Trung Quốc, nhưng vẫn còn đó nhiều tính toán của các bên trước khi các đòn thuế quan này được dỡ bỏ hoàn toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!