Động thái trên được đưa ra sau khi hàng chục trường đại học, công ty công nghệ và các bang của Mỹ nỗ lực ngăn chặn chính sách này.
Em Kymberly Chu, sinh viên quốc tế học năm cuối tại trường đại học University of California- Davis, đã mừng phát khóc khi đọc được thông tin Nhà Trắng hủy kế hoạch cấm du học sinh ở lại Mỹ nếu trường chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến vào mùa thu tới đây.
Sinh viên đi lại trong khuôn viên ĐH Harvard ở bang Massachusetts vào tháng 6/2018. (Ảnh: Reuters)
Giống như phần lớn sinh viên quốc tế khác, vào thời điểm này, Kymberly đã nộp gần 30.000 USD, tương đương gần 700 triệu tiền học phí cho kỳ học tới, chưa kể em đã phải ký hợp đồng thuê nhà cho năm sau, cũng như đăng ký hết các lớp học. Nghĩ về quyết định của giới chức Mỹ, nhiều sinh viên như Kymberly vẫn chưa hết bức xúc.
Không chỉ các sinh viên được thở phào, mà chính các trường đại học tại Mỹ cũng trút bỏ được lo lắng "chính sách của chính phủ thay đổi đột ngột sẽ gây xáo trộn, cũng như dẫn tới bất ổn và gây tổn thất đáng kể". Ước tính trong năm 2018, chỉ riêng sinh viên quốc tế đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đã đóng góp hơn 44 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ.
Hai trường đại học hàng đầu ở Mỹ - Harvard và Viện công nghệ Massachusetts (MIT) - kiện chính phủ về quy định mới đối với sinh viên quốc tế. (Ảnh: Getty)
"Sinh viên quốc tế và gia đình của họ đã đầu tư rất nhiều tiền và hy vọng để được hưởng nền giáo dục Mỹ. Chúng ta cũng được nhận được rất nhiều từ họ, không chỉ tài năng, mà kiến thức họ chia sẻ với cộng đồng" - bà Kavita Daiya, Giáo sư tại Đại học George Washington, nhận định.
Tuy nhiên, một nguồn tin khác cho hay Nhà Trắng tới đây sẽ tập trung áp dụng quy định mới với tân du học sinh, thay vì những sinh viên đang theo học ở Mỹ. Hiện Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!