Đây là khoản chi lớn nhất của Chính phủ Mỹ hỗ trợ ngành sản xuất chip.
Theo đó, các nhà máy của Intel ở bang Arizona sẽ được tài trợ một khoản trị giá 8,5 tỷ USD và khoản cho vay lên tới 11 tỷ USD. Một phần kinh phí sẽ được sử dụng để xây 2 nhà máy mới và mở rộng quy mô của nhà máy hiện có.
Chương trình trợ cấp được trông đợi sẽ giúp tăng thị phần chip tiên tiến của Mỹ lên 20% vào cuối thập kỷ này.
Trước đó, vào tháng 2 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ và nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ 3 thế giới GlobalFoundries đã ký thỏa thuận sơ bộ về việc cung cấp khoản tài trợ trực tiếp 1,5 tỷ USD từ chính phủ liên bang để thúc đẩy ngành sản xuất chip trong nước.
Chính phủ Mỹ sẽ mở rộng sản xuất chip trong nước (Ảnh minh họa: Getty Images)
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, những con chip được GlobalFoundries tạo ra ở các cơ sở mới là "cần thiết đối với an ninh quốc gia" của nước này.
Vào tháng 8/2022, Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Chips và Khoa học, trong đó có khoản trợ cấp 52,7 tỷ USD cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động ngành bán dẫn. Ngay sau đó, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã bày tỏ tự tin rằng nước này có thể xây dựng chuỗi cung ứng để sản xuất các chip tiên tiến, bao gồm phát triển công nghệ đóng vai trò then chốt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!