Sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế của Tổng thống Trump, giá dầu đã bị đẩy lên tới mức 77 USD/thùng, mức cao nhất trong vài năm trở lại đây. Các lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương tây trước đây lên Iran đã lấy đi khỏi thị trường khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Sự lo lắng tại các nền kinh tế sản xuất công nghiệp đã đành nhưng theo Thời báo Kuwait, lần này ngay cả các quốc gia xuất khẩu dầu vùng Vịnh vốn thường hưởng lợi mỗi khi giá dầu tăng cũng không khỏi quan ngại do những nguy cơ bất ổn đối với khu vực mà nó có thể tạo ra. Dubai - thị trường chứng khoán đã sụt giảm tới 2%. Còn Oman cũng không kém phần lo lắng. Một dự án đường ống khi đốt kéo xuyên biển nối liền với Iran đang được thi công nay không biết tương lai sẽ như thế nào.
Tuyên bố của Tổng thống Trump nêu rõ bất cứ công ty hay quốc gia nào giúp đỡ Iran thoát khỏi những lệnh cấm vận đều sẽ phải hứng chịu sự giận giữ và trừng phạt của Washington. Vấn đề là khi lệnh cấm vận đối với Iran được Mỹ và châu Âu dỡ bỏ hồi năm 2016, các công ty đã đổ xô vào Iran tìm những cơ hội đầu kinh doanh, nay tình huống mới khiến nhiều công ty không biết phải ứng phó ra sao.
Tờ Tin tức Vùng Vịnh (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất) nêu một thực tế, kim ngạch thương mại của Iran với các nước châu Âu đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2016. Sau tuyên bố của Tổng thống Trump, các Chính phủ châu Âu đã nhanh chóng vạch ra các chiến lược nhằm bảo vệ các doanh nghiệp của mình khỏi sự trừng phạt của Washington, tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa thể đưa ra một đường hướng nào rõ ràng.
Theo lộ trình cấm vận của Mỹ, ngay từ thời điểm này các công ty đã không được phép ký các hợp đồng mới với Iran trong lĩnh vực dầu mỏ và năng lượng. Tới tháng 8, các giao dịch mua bán nợ, ngoại tệ, vàng, kim loại quý với Chính phủ Iran phải kết thúc. Đến tháng 11/2018, các hợp đồng liên quan đến vận chuyển, cảng biển hay dịch vụ bảo hiểm với Iran cũng sẽ bị cấm.
Các công ty sẽ phải hứng chịu thiệt hại bởi lệnh cấm vận của Mỹ với Iran bao gồm rất nhiều cái tên lớn. Theo danh sách được Nhật báo Sabah (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa ra, thiệt hại hàng đầu phải kể đến Tập đoàn Total (Pháp), khi đây là một trong những tập đoàn nước ngoài đầu tiên ký hợp đồng quy mô lớn với Iran sau khi nước này được dỡ bỏ cấm vận hồi năm 2016; hãng sản xuất xe Renault của Pháp đang xây dựng một nhà máy với công suất 150.000 xe mỗi năm tại Iran; hay trong lĩnh vực hàng không, Boeing hay Airbus đều cũng đang có các hợp đồng lớn được ký kết với Tehran.
Tuy nhiên, không chỉ có châu Âu, châu Á hiện cũng đang là bạn hàng nhập khẩu dầu hàng đầu từ Iran. Thậm chí, chính nền kinh tế Mỹ cũng sẽ phải hứng chịu những tác hại từ lệnh cấm vận của tổng thống Trump.
Tính toán cho thấy, nếu giá dầu tiếp tục giữ ở mức cao, điều này sẽ gây ra sức ép không nhỏ tới các hộ gia đình Mỹ. Theo các chuyên gia, giá dầu trong năm 2018 nhiều khả năng sẽ bị đẩy lên khoảng 36% so với mặt bằng giá năm 2017. Điều này có thể gây thiệt hại khoảng 38 tỷ USD đối với người tiêu dùng, khiến 1/3 lợi ích từ việc giảm thuế mà chính quyền của Tổng Trump mới đưa ra sẽ bị hủy hoại.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!