NHNN đã giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất. Trong khi Philippines giảm 2%; Thái Lan giảm 0,75%, Malaysia giảm 1,25%, Indonesia giảm 1,25%; Ấn Độ giảm 1,15%; Trung Quốc giảm 0,3%.
Ngoài ra, để hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí để có thể giảm nhanh và mạnh lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm 0,6 - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện còn ở mức 4,5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần mức lãi suất trong năm nay. (Ảnh: VGP)
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Việc điều hành giảm các mức lãi suất nêu trên cùng với các giải pháp chính sách tiền tệ đồng bộ đã tác động làm giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Tính đến tháng 10 năm nay, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6 - 0,8%/năm so với cuối năm 2019. Trong đó, một số ngân hàng đã giảm từ 1 - 2,5%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã góp phần giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!