Dù hoạt động giao dịch mua bán sáp nhập M&A đang diễn ra một cách thận trọng dưới nhiều thách thực nội địa cũng như toàn cầu, các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng lâu dài vẫn hiện hữu tại Việt Nam. Trong 2025, dự báo sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn, với các giao dịch tạm hoãn trước đây có khả năng sôi động trở lại.
Theo tổng hợp từ KPMG trong 9 tháng đầu năm 2024, giá trị các thương vụ M&A vẫn đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD, với hơn 220 thương vụ với giá trị trung bình của thương vụ là 56 triệu USD. Phần lớn các giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp.
Dự báo năm 2025, thị trường M&A sẽ chứng kiến sự trở lại nhộn nhịp hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ, vốn từng dẫn đầu hoạt động M&A tại Việt Nam. Các giao dịch mới được thúc đẩy bởi niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế ổn định của Việt Nam.
Ông Nguyễn Công Ái - Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết: "Không những GDP Việt Nam phát triển ổn định mà nền kinh tế Việt Nam xanh hơn, số hoá nhiều hơn, thì đây là những yếu tố tuyệt vời để tạo cho nền tảng hoạt động M&A tại Việt Nam. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài họ hết sức chú trọng đến 100 triệu dân Việt Nam, thông qua việc tăng trưởng của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử thì chúng ta thấy đây là thị trường rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài".
Ngoài ra, việc hoàn thiện thể chế, sửa đổi và ban hành các chính sách, luật liên quan đến đầu tư, đất đai, bất động sản... sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, minh bạch, tiếp tục thu hút và giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, từ đó các hoạt động M&A cũng sẽ được kích hoạt mạnh mẽ trong thời gian tới, và dự báo sẽ bứt phá vào năm 2026.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tập đoàn BCG cho hay: "Việt Nam đang là điểm đến thu hút lớn vốn đầu tư, làn sóng chuyển dịch về sản xuất sẽ đến Việt Nam trong vòng 2 năm tới thì như vậy cơ hội M&A ở Việt Nam đang mở ra rất lớn, do vậy rất nhiều các doanh nghiệp quan tâm. Chúng tôi đang kỳ vọng những chính sách lớn liên quan đến năng lượng tái tạo và bất động sản, để chúng tôi thực hiện M&A trong năm tới".
"Chúng tôi quan sát thì ngay tại công ty Asart thì chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều yêu cầu từ các nhà đầu tư cũng như nhiều mong muốn từ các công ty Việt Nam thực hiện các thương vụ M&A. Tuy nhiên các thương vụ đó thì hiện vẫn đang trong vòng đàm phán và có khá nhiều thương vụ vẫn chưa đi đến hồi kết", bà Bình Lê Vandekerckove - Tổng giám đốc, Công ty Tư vấn Thương vụ ASART chia sẻ.
Với nhiều thách thức trong M&A năm 2025, các chuyên gia cũng khuyến nghị các doanh nghiệp khi M&A cần tiếp cận thẩm định đa chiều, toàn diện để xác định rủi ro cũng như đánh giá tiềm năng tăng trưởng của công ty.
Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững như ESG cũng cần được cân nhắc để đáp ứng được những yêu cầu từ các nhà đầu tư và tạo ra giá trị lâu dài cho các bên.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!