Đến nay, chương trình này đã triển khai được 2 năm trên phạm vi cả nước, kích thích và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển các sản phẩm truyền thống của mỗi địa phương. Doanh thu của các sản phẩm này đều tăng đáng kể.
Thực tế, những kết quả này xuất phát từ chính ý thức của các địa phương, doanh nghiệp trong việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
Ghi nhận tại Ngày hội nông sản OCOP và lễ tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ở tỉnh Bắc Kạn, hàng trăm loại nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các địa phương được đưa tới giới thiệu tại hội chợ, đặc biệt là những sản phẩm chế biến sâu.
Một trong những kết quả mà chương trình OCOP đạt được là các chủ thể tham gia đã quan tâm đến chứng nhận an toàn, tăng cường chế biến sâu...
Chỉ với củ nghệ nếp tại địa phương, các doanh nghiệp và hợp tác xã đã chế biến thành hàng chục sản phẩm như: tinh bột nghệ, nano curcomin; hay như chỉ từ củ dong riềng, sản phẩm miến dong của Bắc Kạn cũng lần đầu tiên xuất hiện trong các siêu thị tại châu Âu.
Một trong những kết quả mà chương trình OCOP đạt được là các chủ thể tham gia đã quan tâm đến chứng nhận an toàn, chứng nhận quốc tế, tăng cường chế biến sâu. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để đưa sản phẩm đứng vững trên thị trường.
Với 107 sản phẩm OCOP, 2 trong số đó đang trình xét xếp hạng 5 sao; 70 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Bắc Kạn cũng đang tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao chất lượng, tăng cường chế biến sâu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, từng bước tham gia xuất khẩu.
Hiện sản phẩm miến dong của Bắc Kạn đã xuất hiện trong các siêu thị tại châu Âu.
"Sau khi các sản phẩm được chứng nhận 3 - 5 sao, sản phẩm này sẽ phát triển đến đâu, có bán được ra thị trường và nâng cao giá trị như thế nào? Đó là vấn đề chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các địa phương chỉ đạo nhằm giúp các sản phẩm OCOP phát triển bền vững trong thời gian tới", ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có 11.000 xã, phường với rất nhiều sản phẩm đặc trưng, chưa kể hàng trăm nghìn làng nghề nổi tiếng, là lợi thế thúc đẩy OCOP cũng như các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Nếu làm tốt khâu thương mại, đây chắc chắn sẽ là giải pháp ổn định thị trường và là đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!