Nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng lợi thế từ chuyển đổi sản xuất xanh

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 25/11/2023 09:45 GMT+7

VTV.vn - Chuyển đổi năng lượng xanh không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Do những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra nhiều hơn; các nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, việc từng bước ‟xanh hoá", sản xuất đang trở thành xu thế tất yếu và tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn về vốn, công nghệ đang cản trở quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong giai đoạn 2011 - 2022, nhưng đây cũng là giai đoạn Việt Nam sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, nhất là than đá để sản xuất điện đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng cho một nền kinh tế đang tăng trưởng cao. Không riêng gì Việt Nam, nhiều nền kinh tế có trình độ tương tự cũng phải dựa nào nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Tổng mức phát thải khí CO2 năm 2021 cao hơn 2,06 lần so với năm 2011 và bình quân trong giai đoạn 2011 - 2021 mức phát thải khí CO2 tăng 7,5%/năm. Việt Nam đã cam kết giảm 9% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 với kịch bản thông thường và tới 27% với sự hỗ trợ từ quốc tế, theo Thỏa thuận Paris trong khuôn khổ Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc

Cũng trong giai đoạn từ 2016 đến 2021, Việt Nam đã có nhiều hành động cụ thể để giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước đi đầu về không đầu tư thêm các nhà máy nhiệt điện mới mà chỉ phát triển các nhà máy có trong quy hoạch cũ, đồng thời đi đầu trong phát triển điện gió và điện mặt trời. Việt Nam đã đón đầu xu thế của thế giới về chuyển đổi năng lượng xanh. Đây là một yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và hướng tới tương lai phát triển bền vững. Các doanh nghiệp, với tư cách là nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng chính ở Việt Nam, có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Doanh nghiệp có thể giảm lượng khí thải bằng cách áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời đầu tư vào các giải pháp và công nghệ ít phát thải carbon.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng lợi thế từ chuyển đổi sản xuất xanh - Ảnh 1.

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã cam kết thực hiện phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Mới đây tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050. Đây là những mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó, không thể thiếu được sự cam kết và và hạnh động cụ thể của doanh nghiệp. Nói không quá, doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong thực hiện thành công các cam kết quốc gia.

Làn sóng đầu tư vào năng lượng xanh

Trên thế giới, việc "xanh hoá" sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh để hướng tới sản xuất xanh đang trở thành xu thế tất yếu. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang tích cực triển khai lộ trình chuyển đổi xanh để thích ứng với nhu cầu của thị trường và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính mình.

Các doanh nghiệp công nghệ đang vượt xa các ngành khác trong việc đầu tư vào năng lượng xanh. Tại Mỹ, các doanh nghiệp ngành công nghệ cao đã ký hợp đồng mua đến 48% trong tổng số các hợp đồng mua năng lượng gió và mặt trời.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng lợi thế từ chuyển đổi sản xuất xanh - Ảnh 2.

Trong đó, 3 gã khổng lồ Amazon, Meta và Google là ba công ty mua năng lượng gió và mặt trời hàng đầu, theo một báo cáo được công bố hồi tháng 1 năm nay từ Hiệp hội Năng lượng Sạch Mỹ.

Theo báo cáo, Amazon đã ký hợp đồng mua 12,4 gigawatt năng lượng mặt trời và gió sạch ở Mỹ cho đến tháng 9 năm 2022, trong khi Meta ký hợp đồng 8,7 gigawatt và Google ký hợp đồng 6,2 gigawatt.

Làn sóng chuyển đổi sang năng lượng xanh cũng được ghi nhận ở nhiều công ty có tên tuổi khác.

Là một trong những tập đoàn lớn nhất của Mỹ với vốn hóa thị trường 89 tỷ USD, General Electric (GE) được công nhận rộng rãi nhờ những đổi mới về năng lượng tái tạo. Công ty đã có những bước tiến lớn trong việc phát triển các giải pháp năng lượng xanh và trở thành công ty chủ chốt trong ngành.

Là một trong những nhà cung cấp tuabin gió hàng đầu thế giới, GE đã lắp đặt hơn 49.000 tổ máy tạo ra điện gió trên toàn cầu. Ngoài năng lượng gió, GE còn đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời và thủy điện .

Tại Đan Mạch, công ty năng lượng tái tạo Orsted A/S hiện đang là nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với tổng công suất hơn 7,5 Gigawatt. Tập đoàn này đã thành lập các trang trại gió ngoài khơi ở nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Anh, Mỹ, Đức và Đài Loan (Trung Quốc). Cùng với đó, công ty đặt mục tiêu đạt được 99% thị phần năng lượng tái tạo trong sản xuất năng lượng vào năm 2025.

Nỗ lực xanh hóa sản xuất của doanh nghiệp Việt

Theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm nay khoảng hơn 1900 cơ sở phát thải theo danh sách chỉ định đã bắt đầu phải thực hiện kiểm kê định kỳ khí nhà kính phát thải. Và đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải cắt giảm tối thiểu trên 563 triệu tấn khí CO2. Ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp công nghệ nhằm cắt giảm khí thải CO2.

Trước đây, nhiều nguyên liệu đầu vào và sản phẩm thức ăn chăn nuôi sử dụng nhiều bao bì đóng gói, tạo ra lượng rác thải lớn cho môi trường. Những giải pháp sản xuất và vận chuyển thân thiện hơn với môi trường đã được công ty De Heus giới thiệu với khách hàng từ năm 2014. Nguyên liệu đầu vào giờ đây không sử dụng bao bì và được lưu trữ trong hệ thống kho silo. Sản phẩm đầu ra được vân chuyển bằng xe bồn trực tiếp đến trang trại cho người chăn nuôi.

Ông Trần Văn Lanh, Giám đốc nhà máy, Chi nhánh Công ty De Heus tại Vĩnh Phúc, cho biết: "Trong quá trình sản xuất chúng tôi sử dụng toàn bộ công nghệ của châu Âu và Mỹ để tiết kiệm năng lượng điện, tránh hao phí trong sx cũng như là chúng tôi đầu tư hệ thống túi lọc khí để giảm thiểu khí thải và bụi ra ngoài môi trường. Đồng thời, chúng tôi trang bị hệ thống xe bồn để chuyển thẳng thành phẩm cho các trại chăn nuôi để giảm thải bao bì ra ngoài môi trường".

Đầu tư vào sản xuất xanh là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp lựa chọn để tạo dựng uy tín trên thị trường xuất khẩu và để sản phẩm của họ thâm nhập sâu hơn vào các thị trường xuất khẩu trên thế giới.

Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Kinh doanh, Công ty Dệt Bảo Minh, cho biết: "Đây không phải là lựa chọn mà là một yêu cầu bắt buộc cho các nhãn hàng khi chúng ta muốn trở thành đối tác lớn của họ. Chúng tôi cũng kết hợp tham gia vào các diễn đàn quốc tế ví dụ như chỉ số về Higg Index. Ở trên đó chúng ta phải thường xuyên chia sẻ thông tin một cách minh bạch về chất lượng nước, chất lượng môi trường. Như thế không chỉ xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp mà sẽ nâng tầm vị thế của các nhà cung ứng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế".

Nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng lợi thế từ chuyển đổi sản xuất xanh - Ảnh 3.

Xu hướng phát triển xanh đã và đang hình thành luật chơi mới về thương mại và đầu tư. Nếu như trước đây, các tiêu chuẩn bền vững chỉ ở các phân khúc cao cấp, nay đã trở thành các yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường, trong đó có những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Từ đầu năm nay lần đầu tiên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2022 có Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên có Chỉ số xanh cho cấp tỉnh. Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.

Chuyển đổi năng lượng xanh không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Bằng cách sử dụng năng lượng xanh, các doanh nghiệp không chỉ góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu mà còn nâng cao hiệu suất, khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của chính mình. Quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cũng là một nỗ lực tập thể đòi hỏi sự cộng tác và phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.

Chương trình Sự kiện và Bình luận phát sóng ngày 25/11 với sự tham gia của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Deloitte Việt Nam sẽ thông tin chi tiết về vấn đề này. Mời quý vị và các bạn đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước