Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 14/10/2023 06:12 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đang có cơ hội trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực, lan tỏa và kết nối trực tiếp Việt Nam với quốc tế.

Nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) mới đây đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2023. Theo đó, Việt Nam tăng 2 bậc so với năm 2022, xếp hạng 46/132 quốc gia.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được đặt tại Khu công nghệ cao Láng - Hoà Lạc (TP Hà Nội), dự kiến sẽ khánh thành vào cuối tháng 10. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ là hạt nhân cho việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, hướng tới trở thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia - Ảnh 1.

Phối cảnh Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Ảnh: Báo Đầu tư.

Với Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII thì năm nay Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm ngoái. Việt Nam có nền kinh tế đổi mới sáng tạo thứ 2 (sau Ấn Độ) trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Đồng thời, Việt Nam cũng là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).

Sự thăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đã thể hiện cam kết của Việt Nam. Đây chính là nền tảng để đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột trọng tâm trong phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới.

Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra, đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) của các doanh nghiệp lớn đã cải thiện đáng kể. Trên thực tế, họ cúng chính là những con "sếu đầu đàn", dẫn dắt đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Doanh nghiệp lớn dẫn dắt đổi mới sáng tạo

Sau 13 năm xây dựng và phát triển sản phẩm, công cụ tìm kiếm Cốc Cốc đã có trên 29 triệu người dùng, với trên 600 triệu lượt truy vấn mỗi tháng. Một nền tảng số "Make in Vietnam", thấu hiểu và cung cấp những tính năng dành riêng cho người Việt là thế mạnh để họ cạnh tranh với những ông lớn trên thị trường

Bà Mai Thị Thanh Oanh - Phó Tổng giám đốc Cốc Cốc cho biết: "Chúng tôi có sự nghiên cứu nghiêm túc về người dùng và chúng tôi rất hiểu người dùng Việt Nam mong muốn gì, từ đó xây dựng tính năng phù hợp. Hiện tại, trên Cốc Cốc, chúng tôi có Cốc Cốc học tập, chắc là sẽ không tìm thấy tính năng đó trên các trình duyệt khác. Ở đó, phụ huynh và học sinh sẽ tìm thấy các tài liệu phục vụ cho học tập".

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẵn sàng tham gia vào cuộc chơi lớn toàn cầu.

Không chỉ phục vụ người dùng trong nước, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam còn sẵn sàng tham gia vào cuộc chơi lớn toàn cầu, với những công nghệ mới như sản xuất chip bán dẫn. Như FPT, thời gian vừa qua, đã nhận được đơn đặt hàng 70 triệu con chip từ các đối tác Nhật Bàn, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết: "Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới đã nói: Trên cái áo bạn đang mặc có thể có số chip lớn hơn toàn bộ số chip bạn dùng trong cuộc đời mình, tức là mọi vật đều trở thành thông minh, tất cả đều được gắn chip. Số lượng bạt ngàn, vấn đề là năng lực sản xuất của chúng ta. Nên Chính phủ đã ra yêu cầu đầu tư trong thời gian tới, 5 vạn kĩ sư về bán dẫn. Đấy là lời giải để nắm bắt cơ hội cho Việt Nam, trong khi Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới. Tôi nói điều này là một hy vọng rất lớn cho đất nước, vì chúng ta vươn lên bằng cách nào? Khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất".

Khoa học công nghệ là con đường ngắn nhất để Việt Nam phồn vinh. Tại Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên cụm từ "đổi mới sáng tạo" với tư cách là thuật ngữ riêng đã được đưa vào Văn kiện. Luật Đầu tư 2020 đã nhắc đến ưu đãi cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhưng có lẽ vẫn cần nhiều hơn nữa sự trợ lực từ chính sách.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin: "Chính phủ đang giao cho Bộ Khoa học Công nghệ sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách mới. Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã có một nghị định riêng với những ưu đãi hấp dẫn hơn so với mặt bằng luật pháp trong nước. Sắp tới, chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ cho sửa Nghị định này, để có nhiều ưu đãi, cơ chế hấp dẫn hơn nữa".

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia - Ảnh 3.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành văn bản số 690 yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan rà soát, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá, các giải pháp toàn diện, hiệu quả để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể cả bức tranh, đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam còn chưa cao, chỉ chiếm 0,6% GDP. Vì vậy, các phát minh sáng chế của Việt Nam ít hơn khá nhiều so với các nước trong ASEAN. Lý do chính được chỉ ra bởi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Việc tiếp cận tài chính, vốn mạo hiểm cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều bất cập, rời rạc.

Cần thêm trợ lực để doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo

Công ty cổ phần MISA hiện đang cung cấp nền tảng quản trị doanh nghiệp (ERP) cho hơn 250 nghìn khách hàng, với chi phí rẻ hơn đến hơn 80% so với các giải pháp đến từ nhà cung cấp nước ngoài. Mục tiêu của doanh nghiệp là trở thành đơn vị xây dựng phần mềm giúp các doanh nghiệp, tổ chức đổi mới phương thức quản trị, nâng cao năng suất.

Ông Lê Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Thường trực Công ty cổ phần MISA cho biết: "Mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý tăng cường hoạt động truyền thông rộng rãi để các doanh nghiệp lựa chọn, sử dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo. Thứ hai là tổ chức các diễn đàn, để các doanh nghiệp như MISA chia sẻ thông tin tới kỹ hơn tới cộng đồng".

Công ty WINDSoft Việt Nam hiện cung cấp giải pháp marketing - bán hàng cho các doanh nghiệp. Trong 4 năm đầu tiên khởi nghiệp, mỗi tháng công ty đều nhận nhận được hàng trăm nghìn đô tài trợ từ Amazon và Google, để đầu tư phát triển. Thế nhưng lại chưa từng nhận được sự hỗ trợ nào từ trong nước.

Mới đây, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, từ 4/10, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có lĩnh vực đổi mới sáng tạo, có thể vay vốn với lãi suất chỉ từ 1,2 đến 4,4%/năm. Hình thức cho vay trực tiếp qua quỹ hoặc gián tiếp qua ngân hàng thương mại với những trình tự, thủ tục, điều kiện tương tự vay vốn ngân hàng. Nhưng từ chính sách vào thực tiễn, rất cần có thêm sự hỗ trợ.

Ông Pham Xuân Kiên - Chủ tịch HĐTV Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hay: "Có lẽ để tạo ra sự khác biệt giữa quỹ và ngân hàng thương mạ thì quỹ phải cởi mở hơn, ít ràng buộc hơn, vì với các doanh nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo họ không có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, khi ban hành cơ chế cho vay trực tiếp, bắt buộc phải có điều kiện hậu kiểm, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn của doanh nghiệp và xử lý rủi ro".

Từ khi hoạt động vào năm 2016, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã cho vay hơn 600 tỷ đòng, với 37 dự án.

Báo cáo "Những người khổng lồ mới nổi ở châu Á - Thái Bình Dương" do Ngân hàng HSBC và Công ty kiểm toán toàn cầu KPMG công bố, Việt Nam là một trong các quốc gia có môi trường khởi nghiệp trẻ và năng động bậc nhất châu Á. Đây chính là nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước