Kinh tế Ấn Độ bị thiệt hại nặng nhất thế giới vì COVID-19. Ảnh: Reuters
"Quý đầu tiên (tháng 4 – 6/2020), nền kinh tế sẽ bị sụt giảm 25%. Ở các quý tiếp theo, khả năng quay lại tốc độ tăng trưởng như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 đối với Ấn Độ là điều không thể xảy ra", một chuyên gia phân tích thị trường nhận định.
Được biết, trong 69 năm qua, Ấn Độ đã trải qua 3 cuộc suy thoái trong các năm 1958, 1966 và 1980. CRISIL cho biết, suy thoái kinh tế trong năm tài khóa hiện tại (tháng 4/2020 đến tháng 3/2021) khác với các cuộc suy thoái trước. Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng mọi nền kinh tế và Ấn Độ không phải là ngoại lệ.
Theo thống kê, Ấn Độ có hơn 95.000 trường hợp nhiễm virus Corona chủng mới và hơn 3.000 ca tử vong. Chính phủ nước này đã gia hạn phong tỏa đất nước đến ngày 31/5 để ngăn dịch lan rộng. Điều này đã làm cho mọi hoạt động kinh tế bị ngừng lại, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế của người dân nước này.
Ấn Độ đã gia hạn phong tỏa đất nước đến ngày 31/5 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
CRISIL nhận định, một số bang tại Ấn Độ có ca nhiễm COVID-19 có thể phải hứng chịu sự ảnh hưởng về kinh tế kéo dài do các lệnh hạn chế có thể kéo dài lâu hơn. Số liệu mới nhất cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 3 đã giảm hơn 16%, khoảng 140 triệu lao động đã mất việc, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 8% lên mức chưa từng có tiền lệ 26%, hợp đồng xuất khẩu giảm 60,3% trong tháng 4 và số lượng thuê bao viễn thông mới giảm 35%, trong khi đó, vận chuyển hàng hóa đường sắt đã giảm 35%.
Trước đó, trong một báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, nền kinh tế toàn cầu có thể bị thiệt hại từ 5,8 nghìn tỷ tới 8,8 nghìn tỷ USD, tương đương 6,4% tới 9,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Toàn cầu sẽ giảm từ 158 triệu tới 242 triệu việc làm, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 70% tổng số việc làm bị mất.
Thu nhập của lao động trên toàn thế giới sẽ giảm từ 1,2 nghìn tỷ tới 1,8 nghìn tỷ USD – 30% trong số đó sẽ thuộc về các nền kinh tế trong khu vực, tương đương từ 359 tới 559 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!