Yêu cầu cung cấp khí đốt của châu Âu đã tăng từ 71,7 triệu m3 trong ngày 30/4 lên 97,2 triệu m3 trong ngày 1/5.
Cũng trong ngày 1/5, Giám đốc công ty năng lượng quốc doanh Moldovagaz của Moldova thông báo Gazprom tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho nước này theo hợp đồng đã ký kết giữa hai doanh nghiệp.
Hiện Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt ở châu Âu. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Theo hợp đồng của Gazprom, lượng khí đốt vận chuyển sang Ukraine trong năm nay lên tới 40 tỷ m3, tương đương khoảng 109,6 triệu m3/ngày. Từ cuối tháng 2, hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine gần đạt mức này và chỉ giảm nhẹ trong vài ngày hồi giữa tháng 3.
Trước đó, ngày 30/4, báo Helsingin Sanomat đưa tin Phần Lan đang chuẩn bị cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga vào tháng 5.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Gazprom trước đó đã yêu cầu công ty năng lượng quốc doanh Phần Lan Gasum đưa ra phản hồi trước ngày 20/5 về việc thanh toán bằng đồng Ruble khi mua khí đốt của Nga.
Theo Helsingin Sanomat, Phần Lan cũng như phần lớn châu Âu, có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga vào ngày 21/5.
Các quan chức Phần Lan cho rằng nếu không có khí đốt của Nga, Phần Lan sẽ cần phải tìm kiếm các nguồn thay thế.
Bộ trưởng các vấn đề ở châu Âu và chỉ đạo quyền sở hữu của Phần Lan Tytti Tuppurainen cho biết nước này đã quyết định không chấp nhận điều khoản thanh toán bằng đồng Ruble của Nga.
Ngày 27/4, Interfax dẫn thông báo của tập đoàn Gazprom, xác nhận họ đã đình chỉ hoàn toàn việc cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan, do các nước này từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Ruble.
Gazprom cho biết họ đã gửi thông báo cho Bulgargaz và PGNiG, hai tập đoàn nhập khẩu khí đốt của Bulgaria và Ba Lan, về việc ngừng cấp khí từ ngày 27/4 cho đến khi việc thanh toán được thực hiện theo đúng yêu cầu được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra.
Bulgaria và Ba Lan nằm trên tuyến vận chuyển khí đốt từ Nga sang một số quốc gia châu Âu khác. Phía Nga cảnh báo trong trường hợp 2 nước này "rút trái phép khí đốt của Nga quá cảnh sang các nước thứ ba", thì nguồn cung quá cảnh sẽ không được bù đắp tương ứng.
Để đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây, hồi cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh quy định tất cả các hợp đồng cung cấp khí đốt với các công ty đăng ký hoạt động tại các quốc gia "không thân thiện" chỉ được thanh toán bằng đồng Ruble bắt đầu từ ngày 1/4.
Các nước châu Âu và Nga đã tranh cãi nhiều tuần về quy chế thanh toán mới. Cách đây vài ngày, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng các tập đoàn nhập khẩu khí đốt ở châu Âu có thể thực hiện yêu cầu của Nga mà không vi phạm các lệnh trừng phạt.
Hiện Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt ở châu Âu. Gazprom, nhà xuất khẩu chính của Nga, duy trì hơn 40 thỏa thuận dài hạn với các quốc gia ở "lục địa già".
Gazprom cung cấp khoảng 10,2 tỷ m3 khối khí cho Ba Lan, tương đương 50% nhu cầu thường niên của nước này. Trong khi đó, Bulgaria nhập khoảng 3 tỷ m3 khí đốt mỗi năm của Nga, tương đương 90% nhu cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!