Các nền tảng đi vào ngách thị trường thương mại điện tử sẽ tập trung vào một số ngành hàng cụ thể để làm thật sâu, thật kỹ ngành đó. Chẳng hạn trên các chợ thương mại điện tử, việc tìm mua một chiếc ghế là không khó nhưng hiện chỉ có các nền tảng chuyên về đồ nội thất mới có thể ứng dụng công nghệ thực tế ảo để giúp người dùng hình dung chiếc ghế đó khi đặt vào môi trường thực tế sẽ như thế nào trước khi mua.
Theo bảng xếp hạng 50 trang thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam hiện nay của tổ chức IPrice Insights, có đến 80% số này là các trang bán hàng chuyên ngành, trong đó bắt đầu có sự vươn lên của một số nền tảng theo ngách nhỏ như: hàng hiệu, mỹ phẩm nhập khẩu...
Giới doanh nghiệp phân tích, nếu các chợ thương mại điện tử lớn đa ngành hàng, dòng doanh thu chính đến từ tăng trưởng đơn hàng, thì các nền tảng đi theo ngách lại không như vậy. Với lợi thế đi sâu vào từng ngành nghề, doanh nghiệp ngách thương mại điện tử sẽ có thể đưa ra nhiều loại dịch vụ liên quan cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, tạo ra nguồn doanh thu thậm chí còn lớn hơn so với việc bán lẻ.
Chẳng hạn nền tảng đồ nội thất sẽ đi kèm các gói tư vấn nội thất trực tuyến, hay như trang thương mại điện tử chuyên bán đồ hiệu đã qua sử dụng thì đi kèm với các dịch vụ về kiểm định hàng hiệu thật - giả.
Tuy nhiên các nền tảng ngách sẽ phải đối diện với thách thức làm thế nào cạnh tranh về tính tiện lợi, khi người dùng đang có xu hướng mua sắm mọi thứ họ cần chỉ trên một nền tảng, điều mà các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn đang làm tốt. Nhưng ngoài câu chuyện cạnh tranh, theo giới chuyên gia, việc làm thật tốt để trở thành người dẫn đầu ngách thị trường, đến một thời điểm thích hợp, bán lại nền tảng cho một ông lớn đầu ngành cũng là mục tiêu của các doanh nghiệp ngách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!