Ngại vay vốn - Tâm lý có thật của ngư dân

Tấn Quýnh - Phạm Việt-Thứ bảy, ngày 19/12/2015 13:11 GMT+7

Ngại vay vốn là tâm lý có thật của ngư dân.

VTV.vn - Ngại vay vốn theo Nghị định 89 là tâm lý có thật của ngư dân, bởi theo họ, nếu vay vốn, tàu cá đóng mới phải có công suất lớn và vốn vay phải lớn.

Nghị định 89 về chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực từ ngày 25/11 vừa qua. Đây là Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Nhiều người hy vọng với Nghị định 89, những nút thắt lâu nay trong chính sách tín dụng cho ngư dân sẽ được tháo gỡ. Ghi nhận thực tế ở các vùng biển cho thấy, để Nghị định 89 đi vào cuộc sống, mấu chốt lúc này vẫn là làm sao tháo gỡ tâm lý e ngại vay vốn trong ngư dân.

Gia đình ông Huỳnh Nuồng, Phường Phú Đông, TP.Tuy Hòa, Phú Yên bắt đầu đóng chiếc tàu cá vỏ gỗ dài hơn 15m, công suất 520 CV, không dưới 1,2 tỷ đồng sẽ phải chi ra mới đóng được chiếc tàu cá này, đó là khoản tiền không hề nhỏ đối với một gia đình ngư dân. Ngược xuôi lo đủ vốn đóng tàu nhưng gia đình ngư dân này lại không mạnh dạn đăng ký tham gia vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 trước đây (nay là Nghị định 89).

Ông Nuồng cho biết: “Vay ngân hàng phải cố vốn đối ứng, ví dụ 1 tỷ đồng thì phải có 400 triệu đồng. Hiện giờ mình đóng tàu 1,5 tỷ đồng, mình có 1 tỷ đồng nên tự đóng luôn, chỉ khi đóng xong thì mới vay lấy vốn làm chuyện khác, nếu bây giờ bỏ vốn ra đối ứng để vay thì dân ở đây không dám làm”.

Ngại vay vốn theo Nghị định 89 là tâm lý có thật của ngư dân, bởi theo họ, nếu vay vốn Nghị định 89, tàu cá đóng mới phải có công suất lớn, mà tàu công suất lớn thì đòi hỏi vốn vay phải lớn, lên đến gần 10 tỷ đồng, kéo theo vốn đối ứng cũng không hề nhỏ. Trong khi đó, không phải ngư dân nào cũng sẵn có vốn đối ứng, hơn nữa, thời gian qua, sau những vướng mắc phát sinh trong quá trình xét duyệt hồ sơ vay vốn càng khiến ngư dân nản lòng.

Ông Đỗ Thanh Hiền, Thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên cho biết: “Chính phủ đưa ra chính sách như thế bà con quá mừng, nhưng khâu xét tuyển chậm nên bà con nản”.

Nghị định 89 đã điều chỉnh thời gian vay vốn từ 11 năm lên 16 năm, nghĩa là áp lực trả nợ giảm đi đáng kể. Thế nhưng, nhiều ngư dân vẫn chưa hết lo ngại, cho dù vay vốn đóng được tàu công suất lớn nhưng nếu như sản xuất không có lãi, thì khả năng trả nợ vay cũng rất chông chênh.

Ông Phạm Minh Thảo, Chủ tịch UBND phường 6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên nhìn nhận: “Chủ phương tiện từ trước đến nay năng lực tài chính không đảm bảo theo tinh thần Nghị định. Phương án đánh bắt không khả thi vì môi trường đánh bắt từ trước đến giờ còn nhỏ lẻ, ngư dân phải loay hoay tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa nên rất ngại vay”.

Nhìn lại tình hình thực hiện Nghị định 67 thời gian qua, theo kế hoạch, cả nước sẽ có 2.079 tàu khai thác đánh bắt xa bờ và 205 tàu dịch vụ hậu cần được đóng mới bổ sung. Nhưng sau một năm mới có 23/28 địa phương ven biển phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, tương ứng với 818 tàu trên 400CV.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước