Theo Bloomberg, một số chủ nợ của hãng mỹ phẩm Revlon đã tỏ ra bất ngờ vô cùng khi được nhận lại cả vốn lẫn lãi vào hôm 13/8 qua chuyển khoản. Theo nguồn tin, nhóm doanh nghiệp này đã cho Revlon vay số tiền này vào năm 2016.
Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài lâu khi phía Citi liên hệ với các chủ nợ của Revlon, yêu cầu họ phải hoàn trả lại khoản tiền 900 triệu USD đã chuyển khoản.
Đại diện của Citi khẳng định đây chỉ là một "nhầm lẫn" không đáng có từ một sai sót của nhân viên. Revlon cho biết không ủy nhiệm Citi thanh toán số tiền nợ trên.
"Revlon đã không thanh toán khoản vay hoặc ủy nhiệm bất kỳ ngân hàng nào thanh toán khoản vay" - một đại diện của công ty cho biết. Tuy nhiên, đến nay Citi mới chỉ đòi lại được chưa đến 50% số tiền 900 triệu USD trên.
Một số chủ nợ, bao gồm Brigade, HPS và Symphony, từ chối chuyển tiền lại cho Citi vì theo họ, số nợ này lẽ ra phải được Revlon thanh toán từ nhiều năm trước.
Các chủ nợ cũng cho rằng trên thực tế, Revlon đã vỡ nợ. (Ảnh: WSJ)
Thời gian vừa qua, đại gia mỹ phẩm Revlon đã phải vật lộn để duy trì sự phù hợp và ngăn chặn doanh số giảm khi đối thủ Estee Lauder Cos ngày càng nặng ký hơn. Hàng loạt các công ty con đang phải tận lực khai thác mạng xã hội để thu hút khách hàng.
Không những vậy, tình hình dường như trở nên tồi tệ hơn khi Revlon cũng đang phải gánh khoản nợ gần 3 tỷ USD. Hiện Revlon đang phải tìm mọi cách thoát khỏi nguy cơ phá sản và tìm cách tái cơ cấu nợ.
Ngày 12/8, ngân hàng UMB thay mặt các chủ nợ đâm đơn kiện Revlon. UMB tố cáo Revlon đã chuyển các tài sản có giá trị tới những nơi ngoài tầm với của nhóm chủ nợ trên. Các chủ nợ cũng cho rằng trên thực tế, Revlon đã vỡ nợ.
Một số chuyên gia dự báo các chủ nợ sẽ khó có thể đòi lại toàn bộ số tiền đã cho Revlon vay. Tính từ đầu năm nay, giá cổ phiếu của Revlon đã sụt giảm tới 61% trên sàn giao dịch New York.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!