Các đợt tín phiếu được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Kết quả, có 6/7 thành viên tham gia đều trúng thầu với tổng khối lượng 10.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 1,18% - cao hơn 2 phiên trước đó và là mức cao nhất kể từ đầu đợt phát hành. Với kỳ hạn 28 ngày, số tiền này sẽ được Ngân hàng Nhà nước bơm trả lại hệ thống vào ngày 31/10/2023.
Như vậy, chỉ trong 10 ngày từ 18/8 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 9 phiên đấu thầu tín phiếu với tổng quy mô lên tới 110.000 tỷ đồng.
Tín phiếu phát hành trong giai đoạn này đều có thời hạn 28 ngày và lãi suất dao động trong khoảng từ 0,49 - 1,18%/năm.
Trước đó, phiên 29/9, khối lượng tín phiếu trúng thầu giảm còn 3.800 tỷ đồng đã tăng dần trở lại trong các phiên gần đây là 6.800 tỷ đồng (ngày 2/10) và 10.000 tỷ đồng (ngày 3/10). Đồng thời, lãi suất trúng thầu cũng như số lượng thành viên tham gia đấu thầu cũng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, lãi suất trúng thầu vẫn thấp hơn khá nhiều so với lãi suất liên ngân hàng cùng kỳ hạn cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn rất dồi dào.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn và từ đó kỳ vọng đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 21/9, tín dụng tăng 5,91%, đến hết tháng 9 ước tăng khoảng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022 (tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 12.630.000 tỷ đồng).
Theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, thông thường hàng năm tín dụng sẽ tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Trong bối cảnh này, ngành ngân hàng sẽ thực hiện các biện pháp cùng sự đồng hành của các địa phương, tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!