Xu hướng mới lạ này đang mang lại cho các doanh nghiệp Trung Quốc một giải pháp thay thế khá hữu hiệu mỗi khi cần tìm kiếm người nổi tiếng để quảng bá cho các sản phẩm của mình.
Hồi tháng 5, Xmov - công ty trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại Thượng Hải, đã cho ra mắt Ling - một cô gái được thiết lập bằng công nghệ thực tế ảo. Cô có thể mặc quần áo truyền thống của Trung Quốc, biểu diễn kinh kịch và thể hiện tài thư pháp.
Ling đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, với hơn 90.000 người theo dõi trên Weibo.
"Phần lớn các thần tượng ảo tại Trung Quốc đều là nhân vật hoạt hình, chỉ một số ít có vẻ ngoài giống với người thật. Công đoạn tạo hình thường mất khoảng 2 tháng. Cách thức kiếm tiền của các thần tượng ảo rất đơn giản, giống hệt như những ngôi sao ngoài đời thực: Chứng thực sản phẩm và quảng cáo", Giám đốc điều hành Công ty Xmov Chai Jinxiang cho hay.
Lạc Thiên Y biểu diễn cùng nghệ sĩ dương cầm. (Ảnh: SCMP)
Lạc Thiên Y - một ca sĩ nhạc pop được tạo ra bởi máy tính và công nghệ tổng hợp giọng nói, cũng là một thần tượng ảo gây sốt tại Trung Quốc. Cô đã tham gia biểu diễn cùng với các nghệ sĩ tại Gala Lễ hội mùa xuân hồi đầu năm nay và thậm chí đã có lịch trình làm việc dày đặc từ nay cho đến tháng 10.
"Thu nhập hàng năm của chúng tôi bao gồm lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm liên quan, phát hành album, buổi hòa nhạc, quảng cáo và cả trò chơi điện tử. Con số thu nhập rơi vào khoảng 50 triệu Nhân dân tệ", Giám đốc dự án Lạc Thiên Y Cao Pu chia sẻ.
Các thần tượng ảo như Ling hay Lạc Thiên Y đang dần dần trở nên phổ biến tại quốc gia tỷ dân, nhờ những ưu điểm nổi bật hơn so với các thần tượng là người thực.
"Điều đầu tiên là các thần tượng ảo sẽ không già đi. Ưu điểm thứ hai là họ rất dễ điều chỉnh, thích ứng. Nói chung, khi các thương hiệu tìm kiếm người đại diện, họ cần một người thực sự phù hợp. Các thần tượng ảo đang dần trở thành một phần hình ảnh thương hiệu của các công ty", Phó Chủ tịch Công ty Fresh Capital Chen Yang nhận định.
Nhiều thương hiệu Trung Quốc giờ đây đã quen thuộc hơn với việc lựa chọn những thần tượng ảo để quảng bá cho sản phẩm của mình, ví dụ như thương hiệu mặt nạ MG hay thương hiệu trang điểm Florasis.
Theo Công ty tư vấn Newsijie, ngành công nghiệp thần tượng ảo tại Trung Quốc đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và dự kiến sẽ đạt quy mô 1,5 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 232 triệu USD vào năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!