Ngành dệt may toàn cầu đang có nhiều quan ngại về rủi ro chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sau khi Bangladesh, nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới đối mặt những vấn đề về biến động chính trị, xã hội. Sau quãng thời gian phải tạm thời đóng cửa, nhiều nhà máy may mặc tại Bangladesh đang nỗ lực phục hồi sản xuất. Dệt may là trụ cột của kinh tế Bangladesh, đóng góp gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu và tuyển dụng một lượng lớn lao động.
Tại nhà máy may ở thành phố Dhaka, phần lớn các nữ nhân viên đã quay trở lại bên máy may
"Trong thời gian bất ổn vừa qua, nhà máy của chúng tôi đã phải đóng cửa, chúng tôi đã rất sợ hãi. Chúng tôi đều là người lao động nghèo, phụ thuộc hết cả vào mức lương hàng ngày và làm thêm quá giờ. Nếu giờ ngồi ở nhà không, ai sẽ chăm lo cho gia đình chúng tôi", chị Razia Begum, nhân viên nhà máy may chia sẻ.
Còn doanh nghiệp này cũng cố gắng nhanh chóng khôi phục sản xuất, khi việc đóng cửa 3 cơ sở đã khiến doanh nghiệp thiệt hại lên tới 2,2 triệu USD, (hơn 55 tỉ đồng)
Ông Emdadul Haq - Quản lý nhà máy cho biết: "Riêng cơ sở tôi quản lý đã phải đóng cửa hoàn toàn trong 6 ngày. Chúng tôi đã tổn thất 228.000 sản phẩm, và 107.000USD".
Các ước tính cho thấy ngành dệt may Bangladesh đã chịu thiệt hại 4 tỷ USD trong giai đoạn hỗn loạn vừa qua. Hàng loạt cơ sở đã phải đóng cửa và nhiều đơn hàng không được giao đúng thời hạn.
Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới trong năm 2023, chỉ sau Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu đạt 47 tỷ USD. Họ là những nhà cung cấp chính cho những thương hiệu thời trang phương Tây nổi tiếng như H&M, Zara, và Carrefour. Do vậy, một số nhà bán lẻ toàn cầu đã bày tỏ lo ngại về gián đoạn chuỗi cung ứng khi mùa mua sắm cuối năm đang đến gần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!