Ngành dệt may đẩy mạnh giao thương với Ấn Độ

Trí Hiển-Thứ bảy, ngày 01/03/2014 18:44 GMT+7

Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu sang Ấn Độ các mặt hàng dệt may, tơ, sợi dệt các loại với giá trị gần 80 triệu USD, đồng thời nhập khẩu từ Ấn Độ gấp 5 lần (khoảng 420 triệu USD) các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong hơn 3.700 doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, số doanh nghiệp may chiếm đến 70%, dệt được 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4%, phụ trợ 3%. Và những lý do như về tài chính, môi trường, khiến cho nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM hạn chế đầu tư vào mảng dệt nhuộm, thay vào đó lại tập trung chuyển sang nhập khẩu nguyên vật liệu và gia công.

Phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành dệt may có nguy cơ bị sụt giảm và xúc tiến giao thương với các nước ngoài khu vực ASEAN và Trung Quốc là một trong những giải pháp.

Tại buổi giao thương ngành dệt may giữa 2 nước Ấn Độ - Việt Nam, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã tìm đến để kiếm những đối tác, giải pháp về nguồn hàng và nguyên vật liệu dệt may. Những điểm nổi bật như giá cả, đa dạng mẫu mã, chât liệu vải, sợi của Ấn Độ đều được các doanh nghiệp trong nước đánh giá cao.

Theo đại diện hiệp hội may mặc Ấn Độ, ngành dệt may của nước này hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp lớn nhỏ và hơn 2,34 triệu máy dệt tham gia sản xuất, cung ứng các loại vải sợi. Với nguồn nguyên phụ liệu dồi dào và chất lượng cao, ngành dệt may Ấn Độ có sức cạnh tranh về giá hoàn toàn ưu thế hơn so sánh với các nước khác trong khu vực châu Á.

Năm 2013, Nguồn vải cotton, nguyên phụ liệu của ngành dệt may Ấn Độ cung ứng cho thế giới trên 25% nhưng tại Việt Nam chỉ chiếm 1,5%. Sự chênh lệch rất lớn này cho thấy sự thiếu sót đáng tiếc trong việc hợp tác giữa 2 nước đang có ngành dệt may tăng trưởng mạnh. Theo đại diện hiệp hội dệt may TP.HCM, nếu như Việt Nam tận dụng được nguồn dồi dào nguyên phụ liệu Ấn Độ, việc xuất khẩu và chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh mặt hàng có chất lượng cao sẽ thuận lợi hơn.

Trong năm 2014, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng giá trịxuất khẩu sẽ đạt 20 tỷ USD. Việc đẩy mạnh xúc tiến giữa Việt Nam - Ấn Độ sẽ đem lại lợi ích cho cả 2 bên, trước măt là doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động hơn về nguồn hàng, chi phí và lợi thế cạnh tranh các sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt thâm nhập vào thị trường thời trang, dệt may cao cấp toàn cầu.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước