Năm 2021 được dự báo sẽ vẫn là một năm đầy khó khăn đối với ngành hàng không khi thị trường nội địa đã lấp đầy, bay quốc tế chưa được khôi phục, thị trường bị thu hẹp cũng khiến cạnh tranh gay gắt hơn.
Nhận định về triển vọng ngành hàng không năm 2021, các chuyên gia cho rằng sẽ vẫn là một năm đầy khó khăn. Cách nào để duy trì bộ máy là bài toán đặt ra với các hãng hàng không trong cuộc chiến "sinh tử" để tồn tại, phát triển hậu COVID-19.
Năm 2021 được dự báo sẽ vẫn là một năm đầy khó khăn đối với ngành hàng không, việc cạnh tranh gay gắt hơn.
"Năm COVID-19 thứ nhất" là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không
Theo số liệu từ IATA, từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 đã khiến doanh số ngành hàng không lỗ khoảng 510 tỷ USD. Dự kiến năm 2020, ngành dịch vụ này sẽ lỗ khoảng 118,5 tỷ USD và con số này vào năm 2021 là lỗ khoảng 38,7 tỷ USD, phải tới giữa 2022 hàng không mới thực sự phục hồi về quy mô như năm 2019.
"Về mặt tài chính, năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng. trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giá dầu tăng đột biến hồi 2008 và 2009, hàng không thế giới chịu thua lỗ 31 tỷ USD. Nhưng vẫn chưa là gì để so sánh với mất mát từ cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay", Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac phát biểu tại cuộc họp báo.
Cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới phải tuyên bố phá sản. Virgin Australia trở thành hãng hàng không lớn nhất sụp đổ do Covid-19, tiếp đó, hãng hàng không lớn thứ hai Mỹ Latinh - Avianca Holdings nộp đơn xin phá sản; rồi đến AirAsia Nhật Bản. Còn hãng hàng không quốc gia đầu tiên là Thai Airways International Pcl cũng đang bên bờ vực phá sản nếu không được cứu.
Một tính toán cũng cho biết, các hãng hàng không cần 250 tỷ USD hỗ trợ từ chính phủ để phục hồi. Hiện tại, một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, Singapore…đã tung các gói hỗ trợ hãng hàng không, chính phủ bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay. Dù vậy, vẫn có một số hãng đã tuyên bố phá sản, hoặc đang làm thủ tục phá sản.
Tại Việt Nam, số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy: Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng 2 con số, năm 2020, do ảnh hưởng chưa từng thấy của dịch COVID-19, thị trường vận tải hàng không Việt Nam quay đầu giảm mạnh so với các năm trước.
Thông qua các cảng hàng không, lượng hành khách ước đạt 66 triệu và 1,3 triệu tấn hàng hóa, giảm tương ứng 43,4% về hành khách và 15,6% về hàng hóa so với năm 2019.
"Sức khỏe" 3 ông lớn hàng không Việt ra sao?
Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, dự báo thiệt hại do dịch COVID-19 của hàng không Việt Nam là 4 tỷ USD trong năm nay.
"Tác động của dịch COVID-19 đến Vietnam Airlines là vô cùng lớn. 9 tháng năm 2020 doanh thu của Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với cùng kỳ 2019, thâm hụt dòng tiền hơn 7.358 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm hơn một nửa so với năm 2019, số lỗ hợp nhất vào khoảng từ 14.000 -15.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt khoảng 15.000 tỷ đồng", ông Thành cho biết.
Là hãng hàng không tư nhân được cho là có nền tảng tài chính mạnh, nhưng chỉ trong 9 tháng năm 2020, dịch COVID -19 đã khiến Vietjet lỗ khoảng 2.400 tỷ đồng.
Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho biết, trước đại dịch, tăng trưởng hàng năm của Vietjet đạt bình quân trên 30% đến năm 2019. Vietjet đã phục vụ 100 triệu hành khách, đóng góp thuế, phí, lệ phí xấp xỉ 9.000 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến hãng đã bán nhiều tài sản tích lũy trong nhiều năm hoạt động để giảm thua lỗ.
Còn ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, dù thực hiện nhiều giải pháp tăng vốn góp từ cổ đông, tăng đội bay, đường bay nhưng dịch COVID-19 khiến doanh thu Bamboo Airways doanh thu sụt giảm. Ông Hải ước tính Bamboo Airways lỗ bằng 1/3, 1/4 Vietnam Airlines (Vietnam Airlines dự kiến lỗ hợp nhất khoảng 15.000 tỉ đồng trong năm 2020).
Kịch bản nào cho ngành hàng không trong năm 2021?
Theo Cục Hàng không Việt Nam, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tình hình thời tiết năm 2020 bất lợi (mưa bão miền Trung), hàng không đã bị ảnh hưởng nặng nề, lượng khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam giảm 43,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn về tương lai, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Phạm Văn Hảo cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) sẽ có 2 kịch bản phát triển cho ngành hàng không.
Kịch bản thứ nhất, hàng không sẽ phát triển theo mô hình chữ V sụt giảm theo đáy và phát triển nhanh trở lại.
Kịch bản 2, hàng không sẽ phát triển mô hình Chữ U quy luật sẽ giảm xuống đáy và kéo dài từ 3-5 tháng đi kèm suy giảm kinh tế, dự báo thị trường hàng không sụt giảm 48-71% tùy theo diễn biến dịch bệnh.
Đánh giá hàng không Việt Nam sẽ từng bước phục hồi theo chữ V, Phó Cục trưởng Phạm Văn Hảo cho biết cơ quan này đang phối hợp với các hãng nghiên cứu trình Chính phủ mở lại chuyến bay quốc tế đến nước ta với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không mở cửa ào ạt hay vì kinh tế mà bỏ qua dịch bệnh.
Về phía các hãng hàng không, lãnh đạo Vietnam Airlines nhận định, với kịch bản lạc quan, thị trường hàng không quốc tế Việt Nam đến năm 2022 sẽ phục hồi quy mô tương đương năm 2019. "Dự kiến Vietnam Airlines sẽ có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025", đại diện Vietnam Airlines nói.
Nhận định về triển vọng ngành hàng không, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng năm 2021 sẽ vẫn là một năm khó khăn.
Cụ thể, MASVN cho rằng ngành hàng không đang trong trạng thái không còn dư địa để phục hồi thêm cho đến khi các chuyến bay quốc tế mở cửa trở lại.
"Khó khăn thứ hai mà ngành hàng không phải đối mặt trong năm 2021 là thị trường bị thu hẹp khiến cạnh tranh gay gắt hơn", chuyên gia của MASVN phân tích.
Đồng loạt xin được "bơm máu", "trợ thở"
Là đơn vị vừa được Quốc hội ban hành gói hỗ trợ tài chính, trong đó có khoản vay ưu đãi có quy mô 4.000 tỷ đồng, lãi suất 4%/năm nhưng theo đại diện Vietnam Airlines, khó khăn với hãng vẫn còn rất lớn do việc phục hồi như trước dịch COVID-19 cần từ 3-4 năm.
"Kiến nghị Chính phủ cho phép Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn, cổ đông nhà nước có thể giao 1 đơn vị mua phần cổ phần này (như SCIC), cân đối với phương án vay, đảm bảo tổng số vốn bổ sung cho Vietnam Airlines khoảng 12.000 tỷ đồng. Về trung, dài hạn, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho hãng phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội máy bay giai đoạn 2021-2025. "Vietnam Airlines không xin tiền từ ngân sách nhà nước, mà chỉ xin hỗ trợ vay và sẽ trả", đại diện Vietnam Airlines nói.
Đại diện Vietjet, bà Hồ Ngọc Yến Phương kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định giảm 3% lãi suất cho vay trực tiếp, gián tiếp đối với các doanh nghiệp hàng không trong giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, Vietjet xin kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ các hãng hàng không vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3-5 năm.
Đồng thời Vietjet kiến nghị xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức 1.000đồng/lít và kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đến hết năm 2021.
Còn đại diện Bamboo Airlways cho biết đã kiến nghị hỗ trợ lên nhiều cấp. "Chúng tôi đồng ý với kiến nghị như Vietjet, đề xuất Chính phủ hỗ trợ chung cho các hãng chứ không riêng Bamboo Airways bằng hình thức cho vay tái cấp vốn cho các hãng hàng không. Các hãng đi vay trực tiếp từ ngân hàng thương mại với lãi suất 2-3%, thời hạn vay 2-3 năm và đảm bảo bằng tài sản", ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways nói.
Cứu hàng không khỏi COVID-19 là "tài trợ cho tương lai"
Các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý cho rằng cần ưu tiên "cứu" hàng không vì vai trò quan trọng và tác động lan tỏa của nó với nền kinh tế. Sẽ có rất nhiều hệ luỵ nhãn tiền xảy ra nếu hãng không được "cứu" kịp thời.
TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng dịch Covid-19 khiến nền kinh tế nói chung, các hãng hàng không trong nước và trên thế giới giống như bị "ngộ độc", cần thuốc "giải độc".
Xét trên khía cạnh tầm nhìn quốc gia, ông Thiên cho rằng các hãng hàng không Việt cần phải được hỗ trợ của nhà nước. Bởi Chính phủ tài trợ hàng không cũng chính là tài trợ cho tương lai.
"Hàng không thế giới đứng dậy thì ta phải đứng dậy ngay lập tức đồng thời đi kèm với dự báo được tương lai của ngành hàng không trong bối cảnh hiện tại", ông Thiên nói.
Các chuyên gia cho rằng, để cứu hàng không, ngoài việc Chính phủ cần "bơm máu", "trợ thở" thì phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ là một trong các giải pháp đầu tiên được phần lớn các hãng hàng không trên thế giới áp dụng. Việc này không chỉ bổ sung dòng tiền thiếu hụt mà còn giúp nâng cao năng lực tài chính cho hãng, đảm bảo đủ tiền vốn để duy trì hoạt động và tạo nguồn đầu tư phát triển giai đoạn hậu COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!