Trước tình hình thiệt hại và khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tại 5 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, ngày 23/3, Ngân hàng Nhà nước đã nhóm họp trực tuyến các ngân hàng thương mại và 5 tỉnh gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Kiên Giang để lên kế hoạch hỗ trợ nhằm giảm thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp của các tỉnh bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và hạn hán.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện tín dụng dư nợ tại ĐBSCL là trên 665.000 tỷ đồng, chiếm 8,1% tổng dư nợ cho vay toàn quốc. Trong đó, tín dụng chủ yếu là nông nghiệp, nông thôn. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các tổ chức tín dụng, bao gồm cả Ngân hàng Chính sách xã hội, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, diễn biến tình trạng xâm nhập mặn và thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc giải quyết tình trạng này không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ, đồng bộ từ phía các Bộ, ngành, địa phương trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
Trước mắt, ngành ngân hàng sẽ cùng các địa phương vùng ĐBSCL triển khai chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để hoãn, giãn, khoanh nợ và giảm lãi suất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.
Hiệu quả kinh tế từ rừng ngập mặn VTV.vn - Tỉnh Thừa Thiên - Huế là một trong những nơi còn lưu giữ được một số dải rừng ngập mặn nguyên sinh ven biển, đem lại lợi ích về kinh tế và du lịch cho địa phương này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!