Kinh tế thế giới có một số yếu tố thuận lợi hơn trong thời gian tới như nguồn cung, chuỗi cung ứng toàn cầu bớt căng thẳng, chính sách của các quốc gia đã từng bước điều chỉnh phù hợp hơn, doanh nghiệp đã từng bước thích nghi với tình hình mới. Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đây là những yếu tố thuận lợi để ngành vẫn kiên trì mục tiêu xuất khẩu toàn ngành năm nay, đạt từ 54 - 55 tỷ USD. Đây là thông tin vừa được ngành nông nghiệp đưa ra trong sáng nay (3/7).
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp đẩy mạnh giải pháp xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu trọng tâm vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao như: gạo, cà phê, hạt điều, rau quả… để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu xuất khẩu cả năm.
Hạt điều trong nửa đầu năm 2023 tăng trưởng ấn tượng, đạt 1,6 tỷ USD, tăng 7,7% về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Nhìn lại kết quả 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 24,59 tỷ USD, có 7 nhóm sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD như: gạo tăng 34%, hạt điều cũng tăng 7,7%, cà phê cũng tăng 3%.
Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Điểm nổi bật, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất chiếm 21,4%, tăng 7,7% so với năm 2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!