Ngành sản xuất chế tạo tại các nước Đông Âu đang khốn đốn vì đại dịch. Ảnh: The New York Times.
Tờ Lidové Noviny ra tại Cộng hòa Czech đầu tuần vừa rồi có bài "Công nghiệp Czech đã chạm đáy", "suy giảm trong sản xuất và xuất khẩu ở mức tồi tệ nhất trong lịch sử". Chỉ trong hai tháng, sản xuất công nghiệp đột ngột giảm tới gần 34%; xuất khẩu lao dốc còn mạnh hơn, sụt tới 40%. Ngành sản xuất xe hơi, thế mạnh và là đầu tàu của công nghiệp Czech, hầu như tê liệt với mức sụt giảm tới 80%. Xe hơi tê liệt thì da thuộc, cao su và nhựa là nguyên liệu chế tạo xe hơi, cũng điêu đứng theo.
Tại một nước Đông Âu khác là Ba Lan, sản xuất công nghiệp đã suy sụp gấp đôi so với dự báo. Tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan viết: "Sản xuất công nghiệp trong tháng 4 đã sụt giảm 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái". Bài báo viết: "Đây là một bất ngờ lớn. Ai cũng biết là sẽ suy thoái, nhưng không ai ngờ rằng đến mức sâu như thế".
Cùng là trong Liên minh châu Âu nhưng cơ cấu kinh tế các nước Đông Âu rất khác biệt so với các nước Tây Âu. Ngành sản xuất chế tạo phát triển ở Czech, Ba lan, Roumanie hay Bulgarie là do thuê nhân công ở những nước này vẫn rẻ hơn nhiều so với ở Tây Âu.
Đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt sản xuất công nghiệp của các nước Đông Âu. Ảnh: Disano LED Technology.
Tờ Capital của Bulgarie viết rằng, nước này vừa "tăng mức lương tối thiểu từ đầu năm nay lên 650 Leva". Có nghĩa là lương tối thiểu của người lao động Bulgarie lúc này chỉ tương đương có 8 triệu đồng Việt nam, chưa bằng 1/5 mức lương tối thiểu tại Vương quốc Bỉ chẳng hạn. Bây giờ thì đây lại là lý lẽ để thuyết phục doanh nghiệp Tây Âu. Vẫn tờ Capital của Bulgarie viết: "Khi đại dịch nổ ra, đã có ý kiến cho rằng nên di dời một phần sản xuất từ châu Á về Đông Âu", trước tiên là những ngành chiến lược như dược phẩm.
Thế vậy là các nước Đông Âu lúc này tìm cách thu hút các doanh nghiệp Tây Âu đang có ý định rút nhà máy khỏi Trung quốc. Tờ Bursa ra tại Roumanie viết rằng chính phủ nước này muốn tái cơ cấu kinh tế của Roumanie theo hướng ưu tiên làm thầu phụ và gia công. Bài báo viết: "Đang có cơ hội lớn từ việc các hãng di dời nhà máy và cụm chuỗi cung ứng về khu vực Đông Âu". Với các doanh nghiệp Tây Âu, thuê người ở Đông Âu tất nhiên là không được rẻ như là thuê ở người châu Á nhưng lại có thuận lợi khác: Các nước Đông Âu cũng ở trong thị trường chung châu Âu, nên luật lệ và tiêu chuẩn không có khác biệt nhiều.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!