Ngành sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo

VTV Digital-Thứ năm, ngày 05/09/2024 18:28 GMT+7

VTV.vn - Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc tăng vượt dự báo lên mức 50,4 điểm trong tháng 8 từ mức 49,8 điểm trong tháng 7.

Trong tháng 8 vừa qua, hoạt động sản xuất ở châu Á cho thấy sự phục hồi không đồng đều. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ghi nhận tín hiệu tích cực, trong khi các trung tâm công nghiệp tại Indonesia và Malaysia tăng trưởng chậm lại.

Báo cáo công bố hôm 2/9 của Caixin và S&P Global cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc tăng vượt dự báo lên mức 50,4 điểm trong tháng 8 từ mức 49,8 điểm trong tháng 7. Đây là chỉ số PMI chủ yếu theo dõi các doanh nghiệp nhỏ, định hướng xuất khẩu.

Bà Jing Liu - Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Quốc, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC cho biết: "Hoạt động sản xuất của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài từ Mỹ và châu Âu. Thông tin tốt là tăng trưởng GDP quý II của Mỹ - đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh, vừa được điều chỉnh lên mức 3%, niềm tin tiêu dùng cũng tăng. Nhu cầu mua hàng hoá ổn định sẽ hỗ trợ xuất khẩu và sản xuất của Trung Quốc".

Chỉ số PMI của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á - Hàn Quốc duy trì tăng trưởng bốn tháng liên tiếp. Trong khi đó, nhu cầu chip toàn cầu mạnh mẽ cùng sản lượng ô tô phục hồi sau những vụ bê bối về dữ liệu kiểm định an toàn đã hỗ trợ chỉ số PMI sản xuất của Nhật Bản cải thiện đáng kể lên sát ngưỡng 50.

Ngành sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng vượt dự báo - Ảnh 1.

Công nhân hàn làm việc tại một nhà sản xuất xuất ô tô ở Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Ở bức tranh ngược lại, hoạt động sản xuất ở Malaysia và Indonesia suy yếu trong tháng 8. Chỉ số PMI ngành sản xuất của nền kinh tế lớn nhất ASEAN - Indonesia giảm xuống 48,9 điểm, chủ yếu do sản lượng và đơn hàng mới giảm mạnh nhất trong ba năm.

Ông Joshua Pardede - Nhà kinh tế trưởng, Ngân hàng Permata cho hay: "PMI sản xuất của Indonesia đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Sức mua nội địa đang giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát tháng 8 suy yếu. Điều này sẽ đề nặng lên hoạt động sản xuất thời gian tới".

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, các nền kinh tế châu Á đang hướng tới kịch bản "hạ cánh mềm" với mức 4,5% trong năm nay chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái. Lộ trình lãi suất của FED, xung đột địa chính trị tại Trung Đông và sự gián đoạn vận tải biển tại Biển Đỏ sẽ là những ẩn số có thể tác động tới hoạt động sản xuất mà các nền kinh tế châu Á cần theo dõi sát thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước