Hàng trăm tấn thép thành phẩm tồn đọng, hoạt động sản xuất, kinh doanh cầm chừng là thực tế tại Công ty cổ phần thép Việt Ý. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do hiện tại, năng lực sản xuất của toàn ngành cung đã vượt quá cầu.
Ông Phạm Mạnh Cường, Phó TGĐ Công ty CP Thép Việt Ý cho biết: “Tuy sản lượng sản xuất không suy giảm nhiều nhưng hiệu quả sản xuất không có. Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh chung của công ty, đảm bảo được các chi phí và đảm bảo được công ăn việc làm cho bộ máy toàn bộ cán bộ công nhân viên gần 1.000 người”.
Tồn tại hay ngừng sản xuất không chỉ là thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà còn là nỗi lo chính của những nhà đầu tư lớn trong toàn ngành. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên là một điển hình. Với công suất thiết kế là 1,1 triệu tấn/năm, nhưng các dây chuyền luyện và cán thép cũng chỉ hoạt động tối đa hơn 50% công suất. Điều đó cũng có nghĩa người lao động luôn thường trực nỗi lo thiếu việc làm.
Ông Trần Văn Khâm, TGĐ Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho biết: “Sản lượng thép trong 6 tháng đầu năm mới đạt hơn 240.000 tấn, so với cùng kỳ năm ngoái chúng tôi chỉ đạt khoảng 46%”.
Theo dự kiến, đến năm 2015 Việt Nam cần khoảng 15 triệu tấn thép và đến năm 2020 là 20 triệu tấn. Nếu các dự án thực hiện theo đúng công suất thiết kế là 35,29 triệu tấn/năm thì cung sẽ vượt cầu khoảng 1,5-1,8 lần. Hiện tổng công suất thiết kế cho toàn ngành thép khoảng 10 triệu tấn/năm, tuy nhiên thực tế nhu cầu chỉ chiếm 50%.
Trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang tồn kho lớn, người lao động đối mặt với khả năng mất việc làm và giảm thu nhập thì lượng thép nhập khẩu từ các thị trường, chủ yếu từ Trung Quốc lại tiếp tục tăng. Tháng 8 số lượng nhập khẩu thép tăng tới 43%. Doanh nghiệp thép trong nước đã khó khăn lại càng khó khăn hơn khi sắp tới sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh với cường quốc thép là Nga khi hiệp định FTA giữa Việt Nam và liên minh Hải quan được ký kết trong thời gian tới.