Nghề nuôi biển: Biến nguy thành cơ

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 20/09/2024 06:16 GMT+7

VTV.vn - Khôi phục sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3.

Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, sau cơn bão số 3, có khoảng gần 20.000ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 4.246 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất và nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều địa phương đã gần như ngay lập tức bắt tay vào việc khôi phục sản xuất nuôi trồng thuỷ sản. Đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị quyết 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi).

Tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh nơi chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3 vừa qua, phóng viên của chúng tôi cũng đã ghi nhận được những nụ cười của sự lạc quan và hy vọng về một khởi đầu mới tại đây.

5h sáng, Cảng cá Cái Rồng, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh, 10 ngày sau cơn bão số 3 quét qua, người mua, kẻ bán nhiều hơn, thuyền bè bắt đầu ngược xuôi, những mẻ ghẹ đầu tiên của tàu nhà anh Dũng cũng vừa cập bến.

"Sau bão thì chúng tôi mong bội thu, có tiền để cho các cháu đi học, lo cho gia đình, chúng tôi lúc nào cũng phải bám biển", anh Lê Văn Dũng, Vân Đồn, Quảng Ninh chia sẻ.

Bám biển, ông bà Bính cũng giống như hàng nghìn ngư dân ở đây vẫn quyết tâm: "Ngã ở đâu đứng lên ở đó". Sửa sang tàu bè, thu gom những mảnh phao còn xót lại từ khối tài sản gần chục tỷ đồng đã bị bão đánh tan. Ông bà đang cố gắng bắt đầu nuôi trồng thuỷ sản trở lại càng sớm càng tốt.

"Tôi thì không bỏ biển, chỉ có chết mới bỏ thôi, chứ không bao giờ bỏ biển. Nếu được hỗ trợ của nhà nước thì từ chỗ mất chúng tôi đi lên", ông Nguyễn Sỹ Bính, Vân Đồn, Quảng Ninh chia sẻ.

Hệ thống lồng bè để nuôi cá, đáng lẽ ra vị trí của nó phải ở đằng xa ngoài khơi, nhưng nó được kéo vào để sửa chữa. Và theo người dân ở đây phải mất hàng tỷ đồng để sửa chữa và đưa lồng bè ra ngoài khơi để tái sản xuất trong thời gian tới.

Tiếp sức cho người dân, các doanh nghiệp đề xuất hình thức hỗ trợ tư liệu sản xuất: như lồng bè, giống thuỷ sản để người dân sớm phục hồi sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình - TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn STP cho biết: "Hãy coi như làm lại từ đầu cho một ngành nuôi trồng thủy sản thực sự có tương lai của chúng ta bằng những việc từ hạ tầng kết hợp với công nghệ, bằng phương pháp để chúng ta bảo lưu con giống".

Lâu dài để ngành nuôi trồng bền vững, cơ sở hạ tầng đủ vững chắc chống chọi với bão lũ, thì chính quyền đang vận động các hộ nuôi phải đi vào đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Ông Hà Văn Ninh - Phó trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho hay: "Trên nguyên tắc các hộ nuôi ở đâu thì cứ ở đó, nhưng được sắp xếp lại vuông vức, có giao thông nội thuỷ".

90% hộ nuôi trồng thuỷ sản tại Vân Đồn bị thiệt hại, hệ thống lồng bè gần như bị xoá sổ. Những người con của biển như ông Bính vẫn hy vọng chỉ ba tháng tới biển sẽ trả lại cho họ một phần những gì đã mất, để họ có thể tiếp tục vươn khơi, bám biển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước