Nghị trường Quốc hội nóng câu chuyện cắt điện, cắt nước

Thùy An-Thứ năm, ngày 22/10/2020 13:50 GMT+7

VTV.vn - Có hay không bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cắt điện, nước đã nhận được nhiều ý kiến tranh tại Quốc hội?

Sáng nay (22/10), Quốc hội thảo luận về một số nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Giống như trong Báo cáo giải trình, sáng nay, nghị trường Quốc hội đã nhận rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều về việc có hay không bổ sung bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cắt điện, nước trong dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Vi phạm quyền con người

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Sần Sín Sỉnh (đoàn Lào Cai) cho rằng, không nên sử dụng biện pháp cưỡng chế ngừng cung cấp dịch vụ điện nước. Theo đại biểu Sỉnh, qua tổng kết thi hành luật, việc thi hành quyết định xử phạt hành chính không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nghị trường Quốc hội nóng câu chuyện cắt điện, cắt nước - Ảnh 1.

Theo đại biểu Sần Sín Sỉnh, việc cắt điện, nước vi phạm quyền con người và nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

"Việc áp dụng biện pháp này sẽ vi phạm quyền con người và nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính", đại biểu đoàn Lào Cai nêu quan điểm.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng không có một vụ vi phạm hành chính nào mà chính quyền các cấp từ xã, huyện đến tỉnh phát hiện kịp thời và ngăn chặn một cách quyết liệt theo Luật xử lý vi phạm hành chính mà không thành công.

"Lý do là vì làm không đến nơi đến chốn thì mới tồn tại, còn nếu đã quyết tâm, quyết liệt thì không có một doanh nghiệp nào không có cá nhân nào có thể chống lại các quyết định của cơ quan nhà nước", ông Cầu nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Quốc hội "đừng tạo điều kiện" cho cơ quan hành pháp một cách quá dễ dàng bởi các biện pháp của pháp luật đã có thừa, có đủ. Lấy ví dụ việc một nhà dân xây dựng địa bàn thành phố phải có giấy phép xây dựng.

Nghị trường Quốc hội nóng câu chuyện cắt điện, cắt nước - Ảnh 2.

"Khi họ thi công không đúng chúng ta cắt điện nước, vậy người già, trẻ con trong nhà lấy đâu nước để ăn, uống và tắm? Tôi đề nghị không nên tạo điều kiện thuận lợi quá cho cơ quan hành pháp khi thực hiện chưa hết trách nhiệm của mình", đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Nên áp dụng ở một số lĩnh vực

Ở chiều ngược lại, một số đại biểu Quốc hội lại đồng tình với việc cần phải bổ sung biện pháp cưỡng chế là cắt điện, nước.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, việc cưỡng chế ngưng cung cấp dịch vụ điện nước là cần thiết. Các đối tượng vi phạm hành chính không tự giác thực hiện thì phải bị cưỡng chế và xử lý nghiêm. Song theo đại biểu Tám, biện pháp cắt điện, nước chỉ nên áp dụng trong một số lĩnh vực như xây dựng hay bảo vệ môi trường.

Nghị trường Quốc hội nóng câu chuyện cắt điện, cắt nước - Ảnh 3.

Đại biểu Tô Văn Tám, biện pháp cưỡng chế ngưng cung cấp dịch vụ điện nước trong xử lý vi phạm hành chính là cần thiết ở một số lĩnh vực như xây dựng hay bảo vệ môi trường

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng, biện pháp cưỡng chế cắt điện, nước chỉ nên áp dụng ở lĩnh vực xây dựng.

Trong khi đó để bảo vệ quan điểm đồng tình với việc cần phải bổ sung biện pháp cưỡng chế là cắt điện, nước, đại biểu Bùi Quốc Phòng (đoàn Thái Bình) cho rằng trên thực tế đã có nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm gây ô nhiễm môi trường. Nếu vẫn cung cấp điện nước thì họ vẫn sản xuất và sẽ tiếp tục gây ô nhiễm. Điều này làm ảnh hưởng tới đời sống sức khỏe của người dân và lợi ích của cộng đồng.

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cho biết có 2 loại ý kiến liên quan đến vấn đề bổ sung biện pháp cưỡng chế vi phạm hành chính bằng hình thức ngừng cung cấp điện, nước.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không bổ sung biện pháp "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước...", vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước