Báo cáo mới công bố từ Bộ Công Thương cho biết, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam và Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16.
Đáng chú ý theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 339.400 tỷ đồng, giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 291.00 tỷ đồng, giảm 5,5% và giảm 11,4%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 21.200 tỷ đồng, giảm 22,4% và giảm 53,8%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 133 tỷ đồng, giảm 4,8% và giảm 92,6%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 26,3 nghìn tỷ đồng, giảm 22,4% và giảm 43%.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua của người dân
Cách đây ít ngày, theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 2,25% so với tháng 12/2020 và tăng 2,64% so với tháng 7/2020. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021, CPI tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Ngoài ra, lạm phát cơ bản tháng 7/2021 giảm 0,06% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm nay tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2020. Với mức tăng kể trên, theo nhiều đánh giá thì đang có rất nhiều dư địa cho nền kinh tế đạt được mục tiêu lạm phát 4% trong năm nay.
Về việc CPI và lạm phát tăng ở mức thấp, bên cạnh những chính sách điều hành quyết liệt của Chính phủ, việc sức mua yếu từ người dân cũng được xem là một nguyên nhân. Tại hội thảo về giá cả thị trường 6 tháng năm 2021 ngày 2/7, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cũng đánh giá một phần nguyên nhân khiến lạm phát thấp do nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu.
Chỉ số sản xuất công nghiệp thấp nhất trong 7 tháng
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua.
Tính chung 7 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020. Song thấp hơn mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD (Ảnh minh hoạ)
Ngoài ra về cán cân thương mại, theo Bộ Công Thương, tháng 7 tiếp tục xu hướng nhập siêu tương tự một vài tháng trở lại đây. Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD.
Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!