Bên cạnh Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam còn có khoảng 20 Hiệp định khác đã được ký kết hoặc trong vòng đàm phán. Điều này đồng nghĩa với việc trong vòng 5 - 10 năm tới, hàng loạt các sản phẩm thịt, trứng, sữa… với mức thuế 0% sẽ tràn vào nước ta.
Sức ép cạnh tranh từ các quốc gia có nền chăn nuôi mạnh trên thế giới như: Mỹ, Australia, Thái Lan... đối với Việt Nam đã cận kề. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, nội tại của ngành chăn nuôi Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Thứ nhất là bất cập về quy mô nhỏ lẻ. Theo Hội chăn nuôi Việt Nam, nước ta hiện nay có gần 10 triệu hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, đối với chăn nuôi lợn, có 86% hộ có quy mô dưới 10 con. Đối với chăn nuôi gà, 97% hộ chăn nuôi dưới 100 con. Nếu như ở Mỹ, chỉ với khoảng 70.000 trang trại, quốc gia này sản xuất ra được gần 10 triệu tấn thịt lợn. Trong khi đó, ở Việt Nam gần 4 triệu hộ nuôi lợn chỉ cho sản lượng khoảng 3,5 triệu tấn.
Thứ hai là bất cập về chuyện kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu như dịch bệnh đã cơ bản được khống chế sau 10 năm chống dịch thì hiện nay ngành chăn nuôi lại đối mặt với hàng loạt vi phạm về sử dụng chất cấm. Điều này khiến người tiêu dùng e ngại đối với thực phẩm trong nước và làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Thậm chí, khi được hỏi, nhiều người tiêu dùng cho biết, họ sẵn sàng trả giá cao hơn 10% đối với sản phẩm sạch.
Trước những thách thức trên, ngành chăn nuôi đã, đang và sẽ phải chuẩn bị những giải pháp gì để trụ vững trên sân nhà và thời gian tới có thể nâng cao sức cạnh tranh? Xung quanh vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết trong VIDEO trên!