Người tiêu dùng thận trọng mua sắm cuối năm

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 04/11/2023 15:03 GMT+7

VTV.vn - Không chỉ tại Mỹ, châu Âu cũng đang chứng kiến người tiêu dùng vừa háo hức, vừa thận trọng với mùa mua sắm cuối năm.

Chi tiêu Halloween tại Mỹ ước tính tăng mạnh

Tại một số quốc gia, thời điểm này, nhiều người tiêu dùng đã bắt đầu bước vào mùa mua sắm. Một ví dụ tiêu biểu là Mỹ, lễ hội Halloween vừa kết thúc, thường được xem là bắt đầu cho mùa lễ hội cuối năm tại nước này. Năm nay, dịp Halloween đã cho thấy hoạt động chi tiêu khá mạnh mẽ.

Theo Hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ, người tiêu dùng nước này dự báo đạt mức chi tiêu hơn 12 tỷ USD trong mùa Halloween 2023, tăng hơn 2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Tính trung bình, mỗi người Mỹ chi hơn 108 USD cho ngày Halloween, phá kỷ lục từ trước đến nay. Không chỉ cho Halloween, mà theo khảo sát của Bankrate.com, có tới trên 50% người tiêu dùng được hỏi cho biết đã và sẽ bắt đầu đi mua sắm ngay từ sớm cho mùa lễ hội cuối năm.

Lạm phát không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý mua sắm của người Mỹ

Người tiêu dùng Mỹ đang háo hức rót hầu bao cho mùa lễ hội, dù Mỹ và nhiều nước trên thế giới vẫn đang ứng phó với lạm phát, trong khi lãi suất ở mức cao, nhưng đằng sau xu hướng này cũng có những lý do khác nhau.

Có nhiều lý do, đầu tiên là thói quen chi tiêu. Lễ tết là dịp người Mỹ mua quà tặng nhau nhiều, nên chi tiêu dịp này là việc "không đừng".

Cuối năm, các hãng cũng có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu, khiến người tiêu dùng dù có tiết kiệm mấy cũng khó cưỡng lại. Theo hãng Adobe, năm nay trung bình các hãng giảm giá tới 35% ở hàng chục danh mục hàng hóa khác nhau.

Người tiêu dùng thận trọng mua sắm cuối năm - Ảnh 1.

Người dân mua sắm tại cửa hàng Target ở TP Chicago, bang Illinois, Mỹ. (Ảnh: Bloomberg)

Ngoài ra, lý do mang tính thời sự là số người có việc làm mới ngày càng tăng. Có việc nghĩa là có thu nhập để chi tiêu, chỉ là tiêu lúc nào thì hợp lý hơn. Lạm phát cao, lãi suất đi vay tăng khiến cả năm đã phải dè sẻn, do đó "tiết kiệm quanh năm, tiêu mấy ngày lễ" cũng là cách để giải tỏa tâm lý với nhiều người.

Thách thức với người tiêu dùng mùa mua sắm cuối năm

Trong khi nhiều người đang háo hức, mùa lễ hội cuối năm được dự báo sẽ mang đến nhiều thách thức cho hầu bao của những người đi mua sắm, không chỉ tại Mỹ, mà cả nhiều quốc gia khác khi tình hình lạm phát vẫn còn khá dai dẳng.

Tại nhiều cửa hàng ở Mỹ lúc này đã bắt đầu có những trang trí Giáng sinh và biển hiệu chương trình giảm giá cuối năm, số khách hàng tìm đến những mặt hàng cho mùa cuối năm bắt đầu tăng. Tuy nhiên cũng có không ít người vẫn đang ngắm nghía, chờ đợi các đợt khuyến mại tốt hơn cho các món đồ mà mình quan tâm.

Dù đã sẵn sàng móc hầu bao sớm cho các món đồ dịp lễ hội, nhưng lạm phát chắc chắn vẫn là một yếu tố khiến nhiều người phải cân nhắc. Theo các khảo sát của Bankrate.com, khoảng 1/3 người tiêu dùng tin rằng lạm phát sẽ tác động lên lựa chọn mua sắm cuối năm và 23% cho rằng mua sắm lễ hội gây áp lực với ngân sách chi tiêu của họ.

"4/10 người được hỏi cho rằng họ có thể sẽ mua sắm ít hơn như một cách tiết kiệm đơn giản nhất", ông Ted Rossman, chuyên gia phân tích, hãng thống kê dữ liệu Bankrate.com, cho biết.

Không chỉ tại Mỹ, châu Âu cũng chứng kiến người tiêu dùng vừa háo hức, vừa thận trọng với mùa lễ hội cuối năm. Một dự báo gần đây cho thấy, doanh thu bán lẻ trực tuyến mùa lễ hội khu vực này sẽ chỉ tăng nhẹ khoảng 3% trong năm nay, so với mức tăng trưởng ấn tượng của năm trước. Lượng người có kế hoạch đi du lịch cũng giảm nhẹ trong quý cuối năm.

"Nhiều người đang tiết kiệm để ứng phó với khả năng nhiên liệu và thực phẩm đắt đỏ hơn trong mùa đông. Họ sẽ thận trọng hơn cho chi tiêu mùa lễ hội và tìm kiếm những đợt khuyến mại hợp lý nhất có thể", ông J.Bennett, hãng thống kê dữ liệu Signifyd, cho hay.

Trong bối cảnh nhiều thách thức, nhưng giới thương mại điện tử vẫn có thể hài lòng về mùa lễ hội năm nay. Các dự báo tại Mỹ và châu Âu đều cho rằng, bán hàng trực tuyến sẽ là động lực hàng đầu cho tăng trưởng ngành bán lẻ trong dịp này, nhờ việc các ông lớn đều tung ra nhiều chương trình khuyến mại lớn, đặc biệt là xung quanh ngành Thứ Sáu Đen (Black Friday).

Trung Quốc kỳ vọng thúc đẩy kinh tế từ lễ hội mua sắm cuối năm

Chuyện "săn sale" trên các nền tảng thương mại điện tử đã phổ biến trên toàn cầu. Nhiều người lựa chọn cách này để lựa chọn các món đồ, khi có mức giá hời hơn so với mua trực tiếp tại cửa hàng... Nói đến thương mại điện tử không thể không nhắc tới Trung Quốc, khi giai đoạn cuối năm cũng trùng vào dịp lễ hội mua sắm trực tuyến nhộn nhịp nhất toàn cầu - Lễ Độc thân 11/11.

Theo Reuters, gần đây, các nhà bán lẻ truyền thống đã phải chạy các đợt giảm giá ngày Lễ Độc thân ngay từ tháng 10 với mức khuyến mại sâu không kém, nhằm cạnh tranh với các ông lớn thương mại điện tử.

Dù vậy, với các hình thức khuyến mại đa dạng cùng số lượng hàng hóa khổng lồ, các nền tảng mua sắm trực tuyến vẫn được kỳ vọng sẽ dẫn dắt lĩnh vực tiêu dùng Trung Quốc, đóng góp vào đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới quý cuối cùng của năm nay.

Nền tảng Tmall của Alibaba mở màn các chương trình khuyến mãi vào lúc 8h tối 31/10 dự kiến sẽ thu hút khoảng 1 tỷ người tiêu dùng trong lễ hội năm nay. Hơn 71.900 thương hiệu đã vượt doanh số so cùng kỳ năm ngoái trong ngày đầu. Giá của hơn 80 triệu sản phẩm phổ biến sẽ ở mức thấp nhất trong năm nay.

Còn nền tảng JD.com, số lượng giao dịch tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ trong 10 phút đầu tiên của lễ hội. Doanh số mỗi thương hiệu như: iPhone, Huawei, Oppo, Midea, Haier… chỉ cần 10 giây đều vượt 100 triệu Nhân dân tệ, tương đương 13,7 triệu USD.

Pinduoduo - một nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng với các sản phẩm giá rẻ bán iPhone 15 Pro thấp hơn 2.000 Nhân dân tệ, tương đương 6,7 triệu đồng, so với giá bán lẻ của Apple.

So với năm trước, năm nay, các nền tảng thương mại điện tử bán giá thấp bằng cách trực tiếp giảm giá và phiếu mua hàng giảm giá, ưu tiên dịch vụ chất lượng, hỗ trợ cho các nhà bán lẻ nhỏ. Đây cũng là dịp để các nhà bán lẻ trực tuyến ra mắt các sản phẩm mới, nâng cấp chuỗi cung ứng để chinh phục thêm những người mua sắm trẻ.

Doanh số bán lẻ 3 tháng đầu năm nay của Trung Quốc tăng 6,8% so cùng kỳ năm ngoái.

Đến ngày 11/11 mới có những con số thống kê cụ thể, nhưng nhiều chuyên gia nhận định, lễ hội mua sắm Độc thân năm nay có thể đạt được doanh thu bán hàng kỷ lục. Theo khảo sát của một tổ chức quốc tế uy tín, gần một nửa số người tiêu dùng được khảo sát cho biết năm nay sẽ chi tiêu nhiều hơn. Hơn 2/3 số khách hàng được khảo sát năm nay sẽ chi tiêu hàng nội địa.

Triển vọng kinh tế Mỹ từ tác động của mùa mua sắm cuối năm

Còn với Mỹ, liệu nền kinh tế số 1 thế giới có thể kỳ vọng lớn từ làn sóng người mua sắm cuối năm nay không? Các chuyên gia đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế Mỹ từ tác động của mùa mua sắm cuối năm?

Hãng kiểm toán Deloitte dự tính năm nay, 95% người Mỹ sẽ tham gia vào các hoạt động mua sắm dịp lễ, cao hơn so với những năm vừa qua. Mỗi người cũng dự định chi khoảng 1.600 USD (tương đương 39 triệu đồng). Đặc biệt sau COVID-19, xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng lên ngôi.

Người tiêu dùng thận trọng mua sắm cuối năm - Ảnh 2.

Chi tiêu tiêu dùng là "động cơ đẩy" của nền kinh tế Mỹ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ ước tính mức chi tiêu năm nay sẽ tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay và có thể cán mốc 966 tỷ USD chỉ trong 2 tháng 11 và 12, nghĩa là hậu Halloween.

Chi tiêu tiêu dùng là "động cơ đẩy" của nền kinh tế Mỹ, nên nhiều tổ chức tài chính và kinh tế đang phải điều chỉnh tăng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tổ chức Conference Board đánh giá: "Chúng tôi dự báo GDP thực của Mỹ sẽ tăng mức 2,2% trong cả năm 2023. Chi tiêu tiêu dùng đã giữ nhịp tốt trong năm nay bất chấp lạm phát leo thang và lãi suất cao".

Có thể nói, dù mới ở giai đoạn khởi động, nhưng mùa mua sắm cuối năm đang mang đến nhiều kỳ vọng cho các nền kinh tế lớn. Liệu rằng người tiêu dùng có sẵn sàng vượt qua những thách thức từ lạm phát để tìm kiếm những món đồ ưng ý nhất cho mình, đó sẽ là ẩn số chờ được giải đáp trong mùa lễ hội này.

Trung Quốc khởi động mùa mua sắm lớn nhất trong năm Trung Quốc khởi động mùa mua sắm lớn nhất trong năm

VTV.vn - Trung Quốc đã bắt đầu mùa mua sắm lớn nhất trong năm kéo dài suốt tháng 11, với tâm điểm là ngày Lễ Độc thân 11/11.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước