9 tháng qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 20 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tổng vốn giải ngân ước đạt 16 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ trong giai đoạn 5 năm qua.
Hơn 1,5 tỷ USD do ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Banking Corporation vừa chuyển vào VN để mua 15% cổ phần của VPBank được xem là thương vụ giải ngân vốn FDI lớn nhất từ trước đến nay. Điều này không chỉ giúp cho VPbank trở thành ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn dẫn đầu trong các ngân hàng tại Việt Nam, mà còn giúp cho lượng vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong 10 tháng qua đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
"Chúng tôi đánh giá cao và tin rằng sự hợp tác chiến lược giữa 2 ngân hàng mang lại rất nhiều tiềm năng cho cả hai bên. Rất nhiều công ty Nhật Bản đã và đang đầu tư, hoặc tiếp tục mở rộng kinh doanh, mở rộng chuỗi cung ứng của họ tại Việt Nam, nên thông qua sự hợp tác chiến lược với VPBank, chúng tôi mong muốn đóng góp mạnh mẽ để thúc đẩy FDI hơn nữa vào Việt Nam", ông Masahiro Yoshimura, Giám đốc Kế hoạch kinh doanh, Ngân hàng Sumitomo Mitsui, Nhật Bản, cho biết.
9 tháng qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 20 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Còn với dự án sản xuất này, ngay sau khi giai đoạn 1 đi vào hoạt động hồi đầu năm nay, chủ đầu tư đã bắt tay vào xây dựng giai đoạn 2 của hệ thống nhà xưởng sản xuất bảng mạch điện tử với quy mô 20 ha, tổng vốn đầu tư tăng thêm 80 triệu USD, giúp sản lượng dự kiến tăng gấp 7 lần.
"Ở đây cơ sở hạ tầng giao thông và logistics thuận lợi. Chúng tôi được chính quyền địa phương hỗ trợ và sớm nhận mặt bằng sạch để đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 2 trong năm nay, đáp ứng kế hoạch sản xuất số lượng lớn cho các đối tác", ông Yu Quiang, Phó Giám đốc Kinh doanh, Công ty DBG Technology, cho hay.
Thống kê của Savills Việt Nam, nếu đầu năm, các dự án FDI được giải ngân khá cầm chừng, đến nay tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trên cả nước là trên 80%, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Trong đó, các tỉnh trọng điểm của phía Bắc đạt 83%, còn phía Nam đạt 91% và tập trung ở những địa phương có tính ổn định, thông suốt về cơ sở hạ tầng và thủ tục hành chính.
"Sức hấp dẫn đầu tư toàn cầu của Việt Nam vẫn mạnh mẽ. Báo cáo mới nhất của EuroCham cho thấy 63% doanh nghiệp được khảo sát đã xếp Việt Nam vào top 10 điểm đến đầu tư hàng đầu, tự tin vào từng đồng vốn bỏ ra, nhờ những cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, môi trường pháp lý thông thoáng hơn", ông Torben Minko, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhận định.
Việc nguồn vốn FDI cam kết và giải ngân đều ở mức cao trong 10 tháng qua được Ngân hàng Thế giới nhận định đây là sự phản ánh niềm tin tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng của Việt Nam trong bối cảnh bất ổn toàn cầu tiếp tục gia tăng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!