"Nhà đổi nhà" là giải pháp tài chính tương đối tốt cho khách hàng nhằm kích cầu và khơi thông thị trường bất động sản, nhưng chỉ phù hợp với người có tài sản và thu nhập khá trở lên, nhận định trên Báo Đầu tư Chứng khoán.
Theo Báo Đầu tư Chứng khoán, điều kiện tiên quyết của chương trình này là khách hàng cần có sẵn nhà để đổi, bên cạnh đó cũng cần xác định rõ khả năng chi trả đối với khoản vay.
Đại diện CBRE Việt Nam cũng cho rằng, chương trình "nhà đổi nhà" không phải là giải pháp cho tất cả mọi người.
Đây cũng là quan điểm của đại diện Colliers Việt Nam, bên cạnh năng lực tài chính, việc phải dùng sổ hồng hoặc sổ đỏ căn nhà cũ làm tài sản đảm bảo sẽ khiến người mua không thể dùng căn nhà này thế chấp cho khoản vay khác cho đến khi trả xong căn hộ mới.
"Nhà đổi nhà" chỉ phù hợp với người có tài sản và thu nhập khá trở lên (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Luồng vốn lớn đổ vào công nghệ giáo dục
Thị trường công nghệ giáo dục (Edtech) tại Việt Nam đang nhận được nguồn vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư quốc tế và đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai, bài viết trên Báo Đầu tư.
Minh chứng là mới đây, một startup trong lĩnh vực này đã nhận được 2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A từ một quỹ đầu tư Singapore, hay một nền tảng giáo dục trực tuyến khác cũng nhận vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Venture.
Chưa kể trước đó, thị trường Edtech trong nước cũng đã dậy sóng khi Quỹ đầu tư KKR rót 100 triệu USD vào một Tập đoàn Giáo dục tại Việt Nam. Trong khi đó, Tổ chức Edtech Agency cho biết, Việt Nam đang là một trong số 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng edtech lớn nhất thế giới.
Với quy mô dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng nhanh, mật độ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao và độ phủ Internet tốt, Edtech có thể phát triển bùng nổ tại Việt Nam trong những năm tới.
Phát triển ngành công nghiệp vật liệu: Đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn
Ngành công nghiệp vật liệu tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, để tạo đà cho phát triển công nghiệp, việc phát triển ngành này đang là đòi hỏi cấp thiết, bài viết trên Báo Công Thương.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa sản xuất các loại vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo còn thấp. Các vật liệu như: gang chế tạo chỉ đạt dưới 30%, thậm chí vật liệu nhôm, đồng chỉ khoảng 5%. Ngoài ra, hóa chất cho ngành nhựa, cao su, dệt may vẫn phải nhập khẩu 70 - 90%.
Đáng chú ý, số liệu thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đã tăng 41,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có đầy đủ các điều kiện cho phát triển công nghiệp vật liệu như nhân lực, công nghệ, khoáng sản…
Chính vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, phát triển công nghiệp vật liệu là một trong những yếu tố then chốt để nâng cao tính tự chủ cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu do dịch COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!