Nhân lực cho nông nghiệp vừa thiếu, vừa yếu
Nông sản của Việt Nam đã có mặt tại tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đang đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì phong độ này và mở rộng vị thế, ngành nông nghiệp lại đang gặp khá nhiều thách thức, nhất là nguồn nhân lực.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lĩnh vực nông nghiệp hiện thu hút đến hơn 40% lao động của nền kinh tế; nhưng tỷ lệ có bằng cấp chỉ đạt 6% tổng số lao động có bằng cấp cả nước. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm ngoái ngành nông nghiệp có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất so với các ngành khác, chưa được 43%. Việc tuyển sinh của các trường đại học ngành nông nghiệp cũng chỉ đạt 30 - 35% chỉ tiêu.
Đào tạo nhân lực theo nhu cầu địa phương
Để khắc phục tình trạng vừa thiếu, vừa yếu này, những năm gần đây, công tác đào tạo lao động nông nghiệp cũng dần được các địa phương chú trọng hơn. Đào tạo sao cho đúng và trúng với nhu cầu thực tế là đòi hỏi chung.
Ngành nông nghiệp đang gặp khá nhiều thách thức, nhất là nguồn nhân lực. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Đều đặn mỗi tháng, lớp học đào tạo về du lịch nông thôn cho người dân địa phương lại được diễn ra trên đỉnh núi Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ở đây, bà con được hướng dẫn kỹ năng làm du lịch với cây chè cổ thụ, vốn gắn bó cùng họ nhiều năm, tại chính mảnh đất quê hương mình.
Đa số nhân sự làm du lịch trên Suối Giàng đều là người Mông sinh sống tại đây. Mong muốn đào tạo bài bản cho người địa phương, doanh nghiệp cùng chính quyền sớm lên kế hoạch liên kết để định hướng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tế, đảm bảo công ăn việc làm sau khi học cho bà con.
"Mỗi năm, bên mình doanh nghiệp đặt đề bài cần 30 người bản địa. Nhà trường đã có định hướng sẵn cho các em từ cấp 2. Xã sẽ đến nói chuyện với bố mẹ của các bạn và đưa xuống dưới trường Cao đẳng để học. Sau đó mình nhận các bạn về đây", anh Đặng Thái Sơn, Quản lý Khu du lịch Không gian Văn hóa Trà Suối Giàng, cho biết.
"Bà con đã hiểu được làm nông nghiệp gắn với du lịch sẽ là mục tiêu phát triển kinh tế lâu dài. Chúng tôi hướng đến làm du lịch tại địa phương đều sẽ là người địa phương", bà Lò Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, Yên Bái, chia sẻ.
Theo thống kê, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại tỉnh Yên Bái hiện chỉ đạt 14,6%. Việc triển khai cơ chế đặt hàng lao động giữa địa phương, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng nhân lực ngành nông nghiệp gắn với lợi thế địa phương.
Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 59%. Mong muốn của bà con được ở lại quê hương và gắn bó với kinh tế nông nghiệp sẽ không còn xa vời nếu công tác đào tạo nhân lực gắn với nhu cầu địa phương thực sự phát huy hiệu quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!