Ngày 20/5, Chính phủ Nhật Bản công bố GDP quý I/2019 của nước này bất ngờ tăng 0,5% so với quý trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2018. Kết quả này khác hẳn với dự đoán trước đó của các nhà phân tích khi cho rằng kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng âm trong quý I/2019. GDP tăng nhưng kinh tế đầy lo ngại là những gì các tờ báo của Nhật Bản đang phản ánh.
Trong quý I/2019, nhập khẩu của Nhật Bản đã giảm rất mạnh lên đến 4,6% và đây là nguyên nhân chính làm cho GPD quý I của nước này tăng. Nhập khẩu giảm nhanh chóng đã tạo ra nỗi lo về sự trì trệ của nền kinh tế.
Theo giải thích của báo Nikkei, GDP thực chất của Nhật Bản được tính bằng tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và nhu cầu tiêu dùng nước ngoài. Nhu cầu tiêu dùng nước ngoài được tính bằng chênh lệch xuất khẩu trừ đi nhập khẩu. Cả hai chỉ số này đều giảm trong quý I nhưng nhập khẩu giảm mạnh hơn đã làm cho nhu cầu tiêu dùng nước ngoài tăng, dẫn đến GDP tăng.
Nhu cầu trong nước quý I tăng 0,1% do đầu tư về nhà ở, đầu tư công đều tăng mạnh và tiêu dùng cá nhân, đầu tư trang thiết bị đều giảm sút. Trong khi đó nhu cầu ở nước ngoài tăng đến 0,4% do xuất khẩu giảm 2,4% nhưng nhập khẩu giảm đến 4,6%. Xuất khẩu giảm là do tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, còn nhập khẩu giảm mạnh phản ánh sức tiêu dùng trong nước giảm và sự trì trệ của nền kinh tế.
Sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đó triển vọng kinh tế trong quý II của nước này rất khó đoán, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhật Bản sẽ tăng trưởng 0% trong quý II/2019.
Theo báo Asahi dẫn phát biểu của Hiệp hội máy móc công cụ Nhật Bản, việc đầu tư trang thiết bị của các doanh nghiệp Nhật Bản đang giảm đi do các đơn hàng từ nội địa Trung Quốc giảm nhanh chóng. Còn công ty TDK của Nhật Bản - chuyên cung cấp linh kiện điện tử đã cho biết, đầu tư trong tháng 3 của công ty này đã giảm 20% so với dự kiến, do các đơn hàng như thiết bị cho ô tô, máy móc bị hủy nhiều.
Kinh tế Nhật Bản đang suy yếu VTV.vn - Hôm 13/5, Nhật Bản đã hạ thấp đánh giá về tình hình kinh tế đất nước và lần đầu tiên trong hơn 6 năm, giới chức nước này dùng cụm từ "suy yếu đi" trong đánh giá của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!