Giá cát tăng mạnh
Ngay sau khi 18 bị can bị bắt vì liên quan khai thác cát lậu ở An Giang qua vụ việc ở công ty Trung Hậu 68 và gần đây nhất Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cũng đã bị khởi tố, điều tra về tội nhận hối lộ thì nguồn cung cát tại khu vực này bỗng khan hiếm lạ thường. Giá cát đội lên cao chưa từng thấy, nhiều công trình rơi vào cảnh "có tiền cũng không mua được cát".
Báo Thanh niên đưa con số minh họa: Giá cát mua xuất hóa đơn tại mỏ chỉ khoảng 120.000 đồng/m³, nhưng hiện đem được về đến chân công trình tại Cần Thơ là 320.000 đồng/m3, tăng 60.000 đồng/m3 so với chỉ vài ngày trước đó. Nhưng kể cả khi chấp nhận mức giá tăng chóng mặt như trên thì nguồn cung cũng rất hạn chế.
Vẫn trên tờ Thanh niên, không ít chủ thầu xây dựng đã đánh giá sau vụ việc, các mỏ sẽ cung cấp cát ra thị trường chậm lại nhưng chắc chắn sẽ phải thực hiện nghiêm túc việc ưu tiên nguồn cát cho cao tốc tại ĐBSCL theo chỉ đạo của Chính phủ, trước thực tế thời gian qua nguồn vật liệu này đang rất thiếu.
Báo Tuổi trẻ cho biết, theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ Giao thông Vận tải, đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau qua huyện Thới Bình đang triển khai các hạng mục như cầu, cống, đường công vụ... nhưng phải chờ nguồn vật liệu cát. Dù đã huy động tối đa thiết bị, máy móc và nhân sự thi công nhưng qua hơn 7 tháng thi công, sản lượng của dự án chỉ đạt gần 6% giá trị hợp đồng, chủ yếu do thiếu nguồn cát đắp nền đường.
Giá cát xây dựng tại miền Tây đang bị đội lên cao chưa từng thấy. Ảnh minh họa.
"Vá" lại các "lỗ hổng" quản lý
Sau khi vụ án khai thác cát trái phép xảy ra tại An Giang được khởi tố, rõ ràng, không ít những bất cập, góc tối liên quan đến quá trình khai thác và cung cấp cát đã phần nào được hé lộ, nhận diện. Giải pháp căn cơ, lâu dài cho hoạt động quản lý, khai thác cát chính là việc "vá" lại các "lỗ hổng" quản lý và cách tiếp cận bền vững tài nguyên này.
Về vấn đề này, tờ Tuổi trẻ tuần qua có bài viết với tiêu đề rất ấn tượng là "Cát nóng". Tác giả bài viết, TS kinh tế Trần Hữu Hiệp đã bình luận: Từ nhiều năm qua, việc cấp phép khai thác cát cho các chủ mỏ dựa vào các điều kiện, quy định tưởng chừng chặt chẽ nhưng thực tế việc triển khai dễ bị lợi dụng. Không ít trường hợp, các chủ mỏ hầu như thuê mướn pháp nhân để thăm dò trữ lượng. Việc thẩm định, đặc biệt là theo dõi biến động quá trình khai thác của chủ mỏ gần như bỏ trống. Đây là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng hoạt động khai thác lậu được hợp thức hóa hóa đơn, chứng từ, định danh nguồn gốc cát, biến giả thành thật.
Cát là của dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Cần tiến hành cuộc tổng kiểm tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng cát thực tế chứ không chỉ dựa vào con số báo cáo trên giấy. Nhà nước cần nắm giữ để đảm bảo sự kiểm soát mặt hàng này. Các chủ mỏ phải trả tiền cho ngân sách để được khai thác, không thể dựa vào số liệu tự công bố về trữ lượng cát tại các mỏ và trục lợi khi bắt tay nhau làm ăn phi pháp. Việc truy xuất nguồn gốc cát, lần theo đường đi của những tờ hóa đơn không xuất phát từ các mỏ cát được phép khai thác, mà từ các vỏ bọc lợi ích ăn chia, hối lộ từ cát là rất quan trọng.
Miền Tây đang bị đứt gãy nguồn cung cát. Ảnh minh họa.
Trong khi đó, tờ Thanh Niên thì bình luận: Sai phạm liên quan đến cát ở An Giang cũng đã phần nào chỉ ra rằng, khâu quản lý khai thác cát ở ĐBSCL hiện còn quá nhiều bất cập, từ khâu thăm dò, đánh giá trữ lượng cho tới cấp phép và quản lý khai thác, buôn bán, vận chuyển. Chưa kể, cùng một dòng sông, nhưng các địa phương đang thiếu những tiếng nói chung. Mỗi nơi đều xem cát là nguồn lợi tài nguyên và cấp phép tận thu, thiếu đi cơ chế quản lý liên vùng, xem xét tác động trên bình diện toàn đồng bằng.
Với người miền Tây, vụ bắt cát lậu rúng động ở An Giang mang lại niềm tin rằng, công tác quản lý khai thác cát sẽ được chấn chỉnh mạnh mẽ ở cả khu vực bởi lẽ, với vùng châu thổ ĐBSCL, cát không chỉ là vật liệu chiến lược phục vụ sự phát triển đất nước, khu vực mà cát còn là "da thịt" bồi đắp, kiến tạo nên đồng bằng. Các mỏ cát là tài nguyên quốc gia, không phải là "kho báu" cho những nhóm lợi ích mặc sức thao túng, trục lợi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!