Phát triển cụm công nghiệp góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, dịch vụ; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn gặp vướng mắc khi triển khai.
Tham dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đại biểu cần nhìn thẳng vào những tồn tại, những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như việc thực thi chính sách về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, từ đó thống nhất định hướng và một số nhiệm vụ để tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trong thời gian tới.
Vốn là địa phương đi đầu trong phát triển cụm công nghiệp, Hà Nội hiện nay có 131 cụm công nghiệp và dự kiến theo quy hoạch sẽ có tổng 159 cụm công nghiệp trong thời gian tới.
Phát triển cụm công nghiệp góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, dịch vụ...(Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Trong khi đó, với đặc thù địa hình vùng núi, tỉnh Hòa Bình cũng đề xuất những cơ chế riêng cho địa phương. "Quy hoạch còn nhỏ, có thể có cụm chỉ 20 - 30 ha. Chúng tôi đề xuất báo cáo sửa Nghị định 68. Còn đối với miền núi, quan điểm của chúng tôi là trong một địa phương, nghĩa là trong một địa bàn huyện, ở mức 30% là ổn", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm nêu quan điểm.
Với những đề xuất trên, Bộ Công Thương sẽ thu thập, tổng hợp trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo hướng: ưu tiên, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!